TIN THỦY SẢN

Giám sát an toàn thực phẩm thủy sản: Còn nhiều khó khăn

Việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản chỉ mới dừng lại ở việc lấy mẫu tôm, còn các sản phẩm thủy sản khác vẫn chưa được thực hiện. Bài, ảnh: Ý THU

Những năm gần đây, tình trạng sử dụng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản đã đặt ra cho các ngành chức năng áp lực mới trong kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thủy sản. Song, do kinh phí còn hạn hẹp, nên việc giám sát chất lượng thủy sản tiêu thụ ngoài thị trường vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trị bệnh cho thủy sản trong quá trình nuôi là điều tất yếu để giảm thiểu dịch bệnh. Tuy nhiên, sử dụng hóa chất, kháng sinh nhưng không tuân thủ theo quy định sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường và để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản: Trong năm 2015, sau khi tiến hành kiểm tra, lấy 4 mẫu tôm bất kỳ tại các chợ gửi đi phân tích, đã có đến 2/4 mẫu tôm bị nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol...

Từ kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản có thể thấy vẫn còn tình trạng người nuôi, mua thủy sản sử dụng chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng, bảo quản tôm thương phẩm. Điều đó đòi hỏi các ngành chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản, nhất là tại khâu bày bán ngoài thị trường, để đảm bảo thủy sản “ngậm” kháng sinh không đến tay người tiêu dùng.

Song, theo ông  Nguyễn Đức  Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, dù được phân công giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm thủy sản nói chung và thủy sản nói riêng, nhưng do kinh phí thực hiện còn hạn chế nên Chi cục chỉ tiến hành lấy mẫu giám sát hằng tháng, triển khai từ tháng 8 đến tháng 12. Đồng thời, việc lấy mẫu giám sát chỉ diễn ra ở một vài địa phương, chứ chưa thể triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Được phân bổ chỉ 45 triệu đồng để thực hiện việc giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản trong năm 2015, nên Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản chỉ thực hiện việc giám sát, lấy 86 mẫu nông, lâm, thủy sản để gửi ra Trung tâm Chất lượng Nông, lâm, thủy sản vùng 2 phân tích chất lượng.

Trong đó, số mẫu thủy sản chỉ dừng lại ở 4 mẫu tôm. Còn các sản phẩm thủy sản nuôi trồng khác như cá bớp, ốc hương, hay thủy sản nước ngọt... Chi cục vẫn chưa thể triển khai việc giám sát, phân tích mẫu vì không đủ kinh phí. Đồng thời, cũng do nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế nên việc kiểm tra, kiểm định chất lượng chỉ dừng lại ở địa bàn TP.Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn... còn các huyện miền núi, công tác giám sát chất lượng vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Ngoài những khó khăn do thiếu kinh phí, nhận thức về an toàn thực phẩm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thủy sản vẫn chưa đầy đủ cũng khiến công tác giám định chất lượng của Chi cục gặp phải vướng mắc. “Khi tiến hành lấy mẫu tại các chợ, hầu hết việc ghi chép, lưu hồ sơ truy xuất nguồn gốc không được các cơ sở quan tâm thực hiện, dẫn đến khó khăn cho cơ quan giám sát trong việc thu thập thông tin và truy xuất nguyên nhân khi mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Đặng Tấn Thương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản) chia sẻ vướng mắc thường gặp nhất trong quá trình giám sát chất lượng thủy sản tại cơ sở.

“Khi tiến hành lấy mẫu tại các chợ, hầu hết việc ghi chép, lưu hồ sơ truy xuất nguồn gốc không được các cơ sở quan tâm thực hiện, dẫn đến khó khăn cho cơ quan giám sát trong việc thu thập thông tin và truy xuất nguyên nhân khi mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm" Ông ĐẶNG TẤN THƯƠNG- Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản).

Bài, ảnh: Ý THU Báo Quảng Ngãi, 13/07/2016