TIN THỦY SẢN

Giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi và tôm xuất khẩu

Ảnh minh họa. Nguồn: tepbac.com Diệu Hoa

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm nước lợ chỉ đạo giám sát dịch bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống và nuôi tôm xuất khẩu; phải công bố dịch, công khai các cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm nhiều lần.

Theo báo cáo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), 11 tháng năm 2015 dù dịch bệnh trên tôm nuôi có chững lại so với các năm trước, nhưng tỉ lệ thiệt hại lên đến gần 7% trên tổng diện tích nuôi. Gần 50.000/667.000 ha thiệt hại do các loại dịch bệnh như bệnh đốm trắng, viêm gan tụy, đầu vàng… Đặc biệt, hiện tượng thời tiết bất thường đã làm cho tôm nuôi thiệt hại tăng lên trong tháng 11.

Nguyên nhân dịch bệnh là do một số địa phương chậm hoặc chưa phê duyệt và cấp kinh phí triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức, tình trạng nuôi thâm canh đan xen với nuôi quảng canh dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh…

Theo Bộ NN&PTNT, định hướng đến năm 2020, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 600.000ha tôm nuôi nước lợ, giảm so với năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng tôm thương phẩm. Trong đó, hạ diện tích tôm thẻ chân trắng xuống chỉ còn 150.000 ha, đưa diện tích tôm sú lên trở lại khoảng 550.000ha. Đồng thời, phải đẩy mạnh mô hình xen canh tôm lúa.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu phát triển 200.000-250.000 ha tôm-lúa, sản lượng tôm thương phẩm 100.000-150.000 tấn, nông dân sẽ có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu đề ra cũng như hạn chế những tồn tại đang diễn ra do dịch bệnh trên tôm nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm nước lợ chỉ đạo thực hiện báo cáo công tác thú y thủy sản, thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường. Đồng thời giám sát dịch bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống và nuôi tôm xuất khẩu; kiên quyết tiêu hủy lô tôm giống dương tính với bệnh; phải công bố dịch, đình chỉ hoạt động và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm nhiều lần.

Cùng với đó, khuyến cáo các tỉnh ven biển cần chú ý đến lịch thời vụ, kiểm soát dịch bệnh hợp lý đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm kịp thời phòng chống dịch bệnh; đặc biệt chú ý hiện tượng thời tiết bất thường có khả năng xảy ra vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Người nuôi tôm đang hi vọng vào dịp cuối năm giá tôm sẽ tăng do các nhà máy tăng cường chế biến để cung cấp theo đơn đặt hàng của các nước nhập khẩu phục vụ Noel và năm mới.

Diệu Hoa Thời báo Tài chính Việt Nam, 19/11/015