Giảm thiệt hại cho người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có diện tích mặt nước hơn 13.000 ha, trải dài từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Chào, Vũng Sứ đến Vũng La. Đây là vùng nước lý tưởng phát triển nghề nuôi tôm hùm bằng lồng, bè với sản lượng hàng năm vài trăm tấn.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm vẫn còn nặng tính tự phát. Người dân thường đặt lồng nuôi dưới đáy, trong khi thức ăn cho tôm là thức ăn tươi, lại thừa rất nhiều dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, nên năm nào cũng có tình trạng tôm chết nhưng năm nay là nặng nhất.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, tình trạng tôm chết xảy ra từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 với số lượng khoảng 32.433 con, thiệt hại ước tính 15 tỷ đồng. Riêng xã Xuân Phương là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm đã bị thiệt hại hơn 9,12 tỷ đồng.
Anh Bùi Văn Bảy có thâm niên nuôi tôm trên 10 năm ở Vũng Sứ chia sẻ, tôm hùm ăn thức ăn tươi sống nên ăn ngày nào mua ngày ấy. Mỗi lồng nuôi tôm hùm ít nhất cần một rổ cá tươi sống, nhỏ để làm thức ăn cho tôm với giá 20.000 - 30.000 đồng. Hầu hết các lồng nuôi đều có thức ăn thừa rơi xuống đáy, trong khi mùa này biển chưa động, không có dòng lưu thông nên đáy vịnh Xuân Đài trở thành nơi chứa thức ăn thừa tồn đọng lâu ngày, gây mùi hôi thối. Đợt tôm chết nhiều, anh Bảy cho hay, khi lặn xuống đáy đong chai nước đã ngửi rất nặng mùi.
Là một trong những hộ nuôi nhiều nhất, ông Ngô Văn Ngọc ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương cho biết, chỉ trong một tháng, gia đình ông mất hơn 1.000 con tôm hùm bông, 2.000 tôm hùm xanh, thiệt hại gần một tỷ đồng. Khi đem bán chỉ thu được 200 triệu đồng.
Để giảm thiểu thiệt hại, người người dân khu vực này đang chuyển sang nuôi “ganh”, đặt các lồng nuôi để nổi lưng chừng, cách đáy ít nhất 1,5 mét chứ không nuôi chìm như trước đây để tránh ô nhiễm ở tầng đáy. Theo ông Trần Văn Tình người nuôi tôm hùm trên Vũng Mắm, cứ một bè, người nuôi thường kết 3 đến 4 lồng nuôi; thậm chí, có tới 9, 10 lồng thả chìm sát đáy. Sau đợt tôm chết vừa qua, nhiều người đã “rút” lồng lên nuôi “ganh”. Người nuôi lắp những can nhựa vào dưới, nẹp bên hông để lồng nổi lưng chừng chứ không nuôi chìm nữa. Chi phí đầu tư thêm để nuôi “ganh” tốn khoảng một triệu đồng mỗi lồng.
Theo ông Phạm Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, trên địa bàn có đến 8.000 lồng nuôi. Trong đó, người dân địa phương thả nuôi 6.000 lồng, còn lại là người ở các nơi khác đến thả nuôi. Xã đã khuyến cáo người dân tiếp tục di dời lồng đi nơi khác để giảm mật độ nuôi; đồng thời đặt lồng nuôi cách tầng đáy để không ô nhiễm.
Trên vịnh Xuân Đài hiện có 1.124 hộ nuôi tôm hùm với 13.302 lồng nuôi, trong đó chủ yếu là tôm hùm bông và người nuôi cũng đang chuyển sang nuôi “ganh” chứ không còn đặt lồng dưới tầng đáy. Định kỳ hàng tháng, Phòng kinh tế xã Sông Cầu gửi thông báo kết quả quan trắc môi trường và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm theo đúng quy trình để hạn chế dịch bệnh.
Cùng với việc vệ sinh lồng, bè, người dân được khuyến cáo giảm mật độ tôm từ 80 con đến 90 con/lồng xuống còn 50 con/lồng và quản lý kỹ thức ăn, không để dư thừa; bổ sung định kỳ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm.