Giới hạn cho phép Enrofloxacin của Nhật Bản nghiêm ngặt hơn EU
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian qua một số lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đã bị cảnh báo về dư lượng nhiễm kháng sinh Enrofloxacin. Trong thực tế, mức giới hạn cho phép (MRL) đối với Enrofloxacin của Nhật Bản nghiêm ngặt hơn mức MRL của EU rất nhiều.
Hiện tại, Nhật Bản quy định không cho phép có dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin (dẫn xuất của Enrofloxacin) trong sản phẩn thủy sản và phương pháp phân tích Enrofloxacin và Ciprofloxacin mà Nhật Bản đang áp dụng là phương pháp HPLC-FL và LC/MS có giới hạn phát hiện là 10 ppb (thông báo shoku-An No.1130001 ngày 30/11/2016), đồng nghĩa với việc Nhật Bản quy định mức MRL cho tổng dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin là 100 ppb, cao hơn 10 lần so với quy định của EU. Riêng CODEX chưa đưa Enrofloxacin và Ciprofloxacin vào Danh mục thuốc thú y được quy định MRL.
Enrofloxacin là chất kháng sinh được sử dụng rộng rãi để trị bệnh nhiễm trùng cho gia súc, gia cầm. Thời gian tồn lưu của hoạt chất này trong thủy sản ít nhất là 2 tuần kể từ khi dừng sử dụng và trong môi trường sạch. Việc quy định mức MRL đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin của Nhật Bản nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với mức cho phép của của thị trường EU đã gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong những năm gần đây.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có một số trao đổi, làm việc kiến nghị với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản, trong đó có công văn đề nghị Cục An toàn thực phẩm Nhật Bản đề nghị cung cấp báo cáo đánh giá nguy cơ của Nhật Bản đối với Enrofloxacin hoặc các bằng chứng khoa học phù hợp làm cơ sở cho việc thiết lập mức MRL đối với Enrofloxacin quá thấp như vậy. Mặc dù phía Nhật Bản đã có những phản hồi tích cực nhưng chưa có hồi đáp giải quyết bằng văn bản theo đề nghị của Việt Nam.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu kháng sinh, không phân biệt doanh nghiệp nhập khẩu có lịch sử kiểm soát tốt hay xấu, từ đó gây tác động tăng chi phí lưu kho, lưu bãi do chờ kết quả kiểm tra.
Để hỗ trợ ngành sản xuất thủy sản trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, VASEP vừa có văn bản đề nghị Cục Xuất Nhập khẩu báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét, yêu cầu cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam báo cáo đánh giá nguy cơ của Nhật Bản đối với Enrofloxacin hoặc các bằng chứng khoa học/tài liệu tham chiếu phù hợp làm cơ sở cho việc thiết lập mức MRL đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin của Nhật Bản. Trong trường hợp Nhật Bản chưa có báo cáo nguy cơ, các bằng chứng khoa học hoặc các tài liệu tham chiếu phù hợp thì đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiến hành đánh giá nguy cơ và trước mắt áp dụng mức MRL cho Enrofloxacin như EU (là nước có đánh giá nguy cơ đối với Enrofloxacin) đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu cho đến khi Nhật Bản có kết quả đánh giá nguy cơ. Đồng thời, đề nghị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản có chính sách phân luồng, ưu tiên cho doanh nghiệp có lịch sử kiểm soát chất lượng tốt để có tần suất kiểm tra ít hơn…