Giúp người nội trợ chọn cá tầm Việt Nam
Trong khi chờ kết luận cuối cùng về vụ việc cá tầm nhập lậu, người nội trợ và thực khách có thể tự phân biệt được cá nhập lậu và cá nuôi trong nước qua một số đặc điểm bên ngoài và chất lượng thịt cá khi sử dụng.
Theo ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, cá tầm nội địa được nuôi chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên, có gốc là cá tầm Nga nên thường có màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi con cá dài, có hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai trải dài cả xương sống và 2 bên hông.
Trong khí đó cá tầm nhập lậu (chủ yếu từ Trung Quốc) và cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi như cá tầm Nga. Mũi cá dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.
Thịt cá tầm nội sau chế biến vẫn giữ được độ mềm, ăn không ngấy. Khi chế biến thành món ăn, thịt cá nhập lậu thường bã, bở và không có độ đậm như cá tầm Việt Nam.
Các chuyên gia Hiệp hội cá nước lạnh cũng cho rằng cá nhập lậu do phải vận chuyển xa nên thường bị xây xước, phần da bụng mỏng hơn so với cá nuôi trong nước.
Hiện nay giá cá tầm Việt Nam do Tập đoàn Cá tầm bán với mức giá phổ biến từ 130.000 – 160.000 đồng/kg, trong khi cá tầm nhập lậu không qua kiểm soát, kiểm dịch giá dao động từ 50.000- 60.000 đồng/kg.
Tập đoàn Cá tầm hiện cũng ít phân phối cá tầm nội địa ở thị trường các tỉnh phía Bắc vì có hiện tượng nhiều nhà hàng, siêu thị lớn nhập một lượng nhỏ cá tầm của Tập đoàn, sau đó trà trộn với hàng nhập lậu rồi bán với mác cá tầm Việt Nam. Điều này vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa làm xấu hình ảnh cá tầm nội địa.