Gỡ khó cho người nuôi tôm và cá tra
Người nuôi tôm, cá tra nếu gặp khó khăn thì được cơ cấu lại nợ, không bị thu lãi quá hạn, miễn giảm lãi vay… Điều này phần nào xuất phát từ thực tế là người nuôi tôm, cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Đó là một trong những chính sách quan trọng nằm trong Quyết định 540 của Thủ tướng Chính phủ vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định 540, tổ chức tín dụng xử lý các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ, bao gồm các hình thức cụ thể như:
Cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng (bao gồm cả thời gian đã được cơ cấu lại nợ); không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng để có kế hoạch thu dần hàng năm tiếp theo; miễn, giảm lãi vay theo quy định của tổ chức tín dụng.
Chúng tôi đã đặt vấn đề về việc áp dụng các gói hỗ trợ này với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chi nhánh Tiền Giang, đơn vị cho vay chủ lực trong nhóm ngành Nông nghiệp nói chung và nuôi tôm, cá tra nói riêng.
Ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, nhìn tổng thể chủ trương mới này có ý nghĩa rất lớn, nhằm hỗ trợ tích cực cho người nuôi tôm, cá tra vượt qua khó khăn và tái sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế đối tượng được áp dụng gói chính sách ưu đãi này không nhiều.
“Hiện tại, dư nợ trong hệ thống Ngân hàng NN&PTNT liên quan đến các đối tượng vay nuôi tôm và cá tra cũng không nhiều. Đối với cá tra, dư nợ cho vay chỉ 21,2 tỷ đồng; đối với nuôi tôm cũng chỉ trên 760 triệu đồng, do một thời gian dài người nuôi gặp rất nhiều khó khăn nên treo ao.
Tuy nhiên, số dư nợ cho vay hiện nay đối với cá tra và tôm chưa nằm trong diện phải xử lý theo Quyết định 540 của Thủ tướng Chính phủ, khi nào có khoản vay cần xử lý thì Ngân hàng NN&PTNT sẽ áp dụng chính sách ưu đãi này” - ông Trần Trọng Hùng cho biết.
Theo lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT, Quyết định 540 cũng quy định việc xử lý các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Theo đó, tổ chức tín dụng trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã về việc khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh...) để quyết định khoanh nợ trong thời hạn 3 năm đối với khách hàng.
Trong thời gian khoanh nợ, tổ chức tín dụng tính lãi nhưng không thu của khách hàng; trường hợp sau 3 năm khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi cho khách hàng; trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì tổ chức tín dụng xử lý theo quy định của pháp luật.
Số lãi khách hàng chưa trả được đến thời điểm khoanh nợ, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện miễn, giảm lãi theo các quy định hiện hành (không tính lãi quá hạn, lãi phạt).
Quyết định 540 cũng mở ra hướng mới là tổ chức tín dụng được tiếp tục xem xét cho khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi và không phụ thuộc vào các khoản nợ đã được xử lý theo quy định.
Một trong những chính sách quan trọng liên quan đến sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi tôm, cá tra nói riêng là chính sách về tín dụng để hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đó là thực hiện theo tinh thần Quyết định 1050 của NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 ngày 5-3 của Chính phủ vừa được NHNN Chi nhánh Tiền Giang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng theo quyết định này là các doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng liên kết gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, các mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình thí điểm được áp dụng như sau: Cho vay ngắn hạn là 7%/năm, trung hạn 10%/năm, dài hạn 10,5%/năm.
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, đối tượng được vay vốn theo chính sách này gồm các DN ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; các DN được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các DN được NHNN, Bộ NN&PTNT phê duyệt gắn với các dự án liên kết cụ thể.
Các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thí điểm đối với khách hàng có mục đích liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại xem xét áp dụng lãi suất vay ngắn hạn đối với khách hàng, đối với những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi.
Ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các chi phí về sản xuất nông nghiệp gồm giống, phân bón, vật tư nông nghiệp... và cho vay trung, dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ cho các mô hình sản xuất như đã quy định. Thời gian thực hiện thí điểm cho vay là 2 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
UBND tỉnh gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá tra
Chiều 5-6, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm cá tra trên địa bàn tỉnh. Tham dự, có lãnh đạo Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, NHNN Chi nhánh Tiền Giang…
Tại buổi gặp gỡ, đại diện các DN xuất khẩu sản phẩm cá tra đã chỉ ra một số khó khăn, bất cập trong Nghị định 36 (có hiệu lực từ ngày 20-6) của Chính phủ (về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam) như: Quy định tỷ lệ mạ băng, quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%, quy định về việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra… Đặc biệt là thời gian có hiệu lực của Nghị định 36 rất gấp, lại chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Do vậy, các DN chế biến cá tra xuất khẩu đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan có ý kiến nhằm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những bất cập trong Nghị định 36, nếu thực hiện các điều khoản này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra, nhất là trong giai đoạn các DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Các DN cũng đề nghị lùi thời gian có hiệu lực Nghị định 36 của Chính phủ, ít nhất là đến ngày 1-7-2015.
Bà Trần Kim Mai đã giao Sở NN&PTNT tiếp thu những ý kiến khó khăn, vướng mắc của DN; tổng hợp bổ sung thêm một số chính sách có liên quan đến việc nuôi, sản xuất thức ăn, chế biến xuất khẩu cá tra để làm tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan nhằm điều chỉnh, bổ sung Nghị định 36 của Chính phủ.