TIN THỦY SẢN

Gỡ khó cho nông dân ĐBSCL

Sống trên vựa lúa, nhưng cuộc sống của nhiều nông dân ở ĐBSCL vẫn còn khó khăn

Nông dân ở vựa lúa, cá, tôm trái cây ĐBSCL đang trong cảnh lúng túng, đau đầu đối với bài toán đầu ra cho sản phẩm của mình. Ám ảnh trúng mùa rớt giá, thua lỗ, bị chiếm dụng vốn, giật nợ… vẫn đeo đẳng những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Đây là bài toán hóc búa đang đặt ra cho các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, những người hoạch định chiến lược, chính sách!

Niềm vui, sự phấn khởi của 4 triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL khi mùa gặt bội thu liên tục bị chùng xuống khi thương lái và các công ty lương thực không thu mua hoặc tiêu thụ nhỏ giọt. Điều hiển nhiên là giá mua lúa quay đầu giảm mạnh, nông dân bất lực đứng nhìn, trong lòng canh cánh trước mối lo trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu, nợ ngân hàng, con cái học hành, trang trải cuộc giống gia đình…

Trong vòng 4 tháng, nông dân ĐBSCL có thể làm ra 4-5 triệu tấn gạo nhưng bán ở đâu, cho ai là cả một vấn đề. Nông dân trồng lúa góp phần quan trọng đưa Việt Nam lên ngôi vị thứ 2 xuất khẩu gạo trên thế giới và đang có nhiều khả năng chiếm vị trí số 1. Các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học, quản lý cùng nhận định: Nông dân không được hưởng lợi hoặc hưởng rất ít từ chính sách thu mua gạo tạm trữ hiện nay…

Thực tế, trong lúc tại ĐBSCL các DN đang thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ lúa hè-thu nhưng giá lúa vẫn ở mức thấp. Nông dân chỉ bán được 4.200-4.500 đ/kg lúa tươi (5.000-5.200 đ/kg lúa khô). Trong khi đó, chi phí sản xuất vụ hè-thu tại các địa phương ĐBSCL từ 4.000 đ/kg trở lên. Với giá như thế, đa số nông dân không được hưởng lợi từ chính sách này, không có lãi 30% như chủ trương của Chính phủ.

Trong khi đó, hàng loạt nông dân trồng dừa, khoai lang ở ĐBSCL cũng đang “khóc dở mếu dở” vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, dù giá giảm 5-10 lần. Sau thời gian khuấy động, thương lái Trung Quốc rút lui, nông dân ăn “quả đắng”. Nặng nề hơn, nông dân nuôi cua ở Cà Mau, Bạc Liêu bị thương lái Trung Quốc giật nợ hàng tỷ đồng. Nhưng có lẽ “đắng” nhất là nông dân nuôi cá tra.

Nhiều tháng qua, người nuôi cá tra thua lỗ 3.000-4.500 đ/kg (từ 1 tỷ đồng trở lên/ha/vụ nuôi). Giá cá thấp cộng với giá thức ăn cho cá không ngừng tăng khiến nhiều hộ nuôi cá tiếp tục treo ao. Bởi qua nhiều năm thua lỗ nặng, phần lớn người nuôi đã hết vốn để tái đầu tư sản xuất. Sản phẩm cá tra là thế mạnh của khu vực ĐBSCL, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, nhưng người nuôi cá luôn gặp khó. Nguyên nhân chính là do tình trạng bán phá giá liên tục xảy ra. Nhiều DN chào bán với giá thấp đã đẩy giá xuống tận đáy.

Hiện nay, vùng ĐBSCL có 136 DN tham gia xuất khẩu cá tra. Trong số này chỉ 64 DN có nhà máy chế biến xuất khẩu, nhưng có đến 72 công ty thương mại. Trong các DN chế biến, chỉ có 15 DN có công suất từ 100 tấn/ngày trở lên, còn lại hầu hết có công suất nhỏ. Trong các DN chế biến đã có sự phân hóa rất lớn nên dẫn đến chuyện phá giá để cạnh tranh và có tiền xoay xở khi ngân hàng không cho vay… Thạm chí, nhiều DN còn tìm cách để chiếm dụng tiền mua cá của nông dân từ vài tháng đến vài năm.

Các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học nhận định: Đến lúc các quy hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp cần phải được xây dựng mới, ra soát, điều chỉnh cho phù hợp hơn, chú trọng vai trò liên kết, sát thực tế và đặc biệt tính đến lợi ít dài hạn, bền vững cho người nông dân…

TS Lê Văn Bảnh-Viện trưởng viện lúa ĐBSCL cho biết: “Chính sách trợ giá cho nông dân đã làm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng cao, có thể mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Rõ ràng, Thái Lan có thể đứng sau Việt Nam trong suất khẩu gạo nhưng nông dân của họ được hưởng lợi từ chính sách trợ giá. Còn Việt Nam có thể đứng đầu mà giá thu mua lúa thấp hơn năm trước thì cũng không giúp nông dân cải thiện thu nhập. Vừa qua, Cục Lúa gạo Thái Lan sang thăm Viện Lúa ĐBSCL và họ chia sẻ rằng Thái Lan không quan tâm đến vị trí nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo mà quan trọng là nông dân được hưởng lợi.

TS Võ Hùng Dũng-Giám đốc Phòng TM và CN Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ, nhận định: “Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí nhất hay nhì trong xuất khẩu gạo mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển và lợi ích lâu dài của nông dân. Vị trí nhất hay nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc mà đó có thể là một cái bẫy với nhiều ảo tưởng, mang lại nhiều rủi ro. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, bảo đảm tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia…”

CAND