TIN THỦY SẢN

Gỡ khó cho tăng trưởng kinh tế

Nâng cao sản lượng tôm là điều kiện thúc đẩy phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Bài và ảnh: Nguyễn Phú

Từ đây đến cuối năm phải thực hiện gần 21.000 tỷ đồng để tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt kế hoạch. Ðể đạt được mục tiêu này, cần có sự chỉ đạo quyết liệt kèm theo giải pháp hữu hiệu hơn.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 33,0%, khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 32,6%, khu vực dịch vụ chiếm 30,3%, tỷ trọng thuế sản phẩm chiếm 4,1%. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng hiện nay còn khá thấp khiến tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh từ đầu năm đến nay đạt thấp.

Theo kế hoạch, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 phấn đấu đạt 36.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay chỉ thực hiện đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, tức từ đây đến cuối năm phải thực hiện đạt 21.000 tỷ đồng, đây là một con số vô cùng khó khăn. “Từ nay đến cuối năm, phải làm việc với công suất 160% so với những tháng đầu năm mới có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh như con số đã nêu”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau Mai Hữu Chinh tính toán.

Có thể thấy, mức độ tăng trưởng kinh tế hiện nay là tương đối thấp; so với mục tiêu đề ra chỉ khoảng 4% so với kế hoạch là 7%. Trong các lĩnh vực kinh tế, chỉ có khu vực dịch vụ là có mức tăng trưởng khá cao đến 9% so với chỉ tiêu đề ra là 10%. Tuy nhiên, lĩnh vực tăng trưởng mạnh này lại tập trung chủ yếu là buôn bán lẻ. Còn lại các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng...

Ðặc biệt, đối với lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng 3,3% so với chỉ tiêu là 5,2%. Dù chỉ còn khoảng 1,9% là đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng để đạt được con số này, từ đây đến cuối năm là một vấn đề vô cùng khó do con tôm - một mặt hàng chủ lực trên lĩnh vực này sản lượng sụt giảm. Sản lượng giảm kéo theo chế biến và kim ngạch xuất khẩu cũng đi xuống so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trên lĩnh vực công nghiệp xây dựng cũng có 2 khu vực tăng trưởng khá thấp là công nghiệp chế biến và khu công nghiệp khí - điện - đạm, chỉ tăng khoảng 0,4% so với kế hoạch.

Ðối với khu công nghiệp khí - điện - đạm, do tác động của giá khí giảm thấp từ đầu năm đến nay đã khiến nguồn thu trên lĩnh vực này ước tính thấp hơn dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này là câu chuyện ngoài tầm tác động của tỉnh, địa phương phải chấp nhận.

Ðối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, hiện đang gặp khó từ nhiều mặt; không chỉ doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu mà cả lượng hàng tồn kho cũng tương đối lớn, khiến lĩnh vực xuất khẩu ngành nghề đang mang về nguồn ngoại tệ khá lớn cũng khó khăn.

Ðó là những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Ông Mai Hữu Chinh nhận định, trước tiên là nâng cao sản lượng, chất lượng con tôm. Khi sản lượng tôm được cải thiện thì lĩnh vực chế biến và xuất khẩu sẽ đi lên theo. Một điều đáng mừng là, từ đầu năm đến nay tỉnh đã thu hút được 22 dự án đầu tư, với tổng số vốn 6.299 tỷ đồng, so với cả năm 2015 chỉ có 21 dự án với số vốn 1.900 tỷ đồng, tăng 3 lần. Ðiều này cho thấy, công tác kêu gọi đầu tư để khai thác tiềm năng của tỉnh đang đi đúng hướng và cần phải làm mạnh hơn. Ðây chính là điều kiện để kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế cần đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Mặc dù là tỉnh ở cuối cùng Tổ quốc nhưng hiện nay toàn tỉnh cũng có trên 4.555 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 27.789 tỷ đồng. Lực lượng này đủ sức để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, Cà Mau vẫn cơ bản là tỉnh nông nghiệp, do đó, để đẩy nhanh mức độ tăng trưởng kinh tế, trước tiên cần tháo gỡ khó khăn cho chính nền nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, để bù đắp sản lượng thiếu hụt, trong những tháng còn lại, sở xác định 2 bước đột phá. Trước mắt là tập trung chỉ đạo cho vụ lúa hè thu cũng như tôm nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Sau đó là vụ lúa trên đất nuôi tôm bằng lịch thời vụ cụ thể và triển khai xuống từng người dân cũng như chuyển giao kỹ thuật canh tác của từng đối tượng. Ðồng thời, hiện nay ngành nông nghiệp đang triển khai nhân rộng những mô hình đã mang lại hiệu quả trong điều kiện nắng hạn kéo dài vừa qua.

Mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh hiện nay còn chậm và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ðể tháo gỡ, ông Mai Hữu Chinh cho rằng, quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở và cả người dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Phú Báo Cà Mau, 03/08/2016