Gỡ “thẻ vàng” và vị trí thị trường EU
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2024, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 5 đến nước ta kiểm tra việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vấn đề chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đã tròn 7 năm ngày càng cho thấy vị trí quan trọng của thị trường EU đối với thủy sản xuất khẩu nước ta.
Hành trình 7 năm gỡ “thẻ vàng”
Ngày 23/10/2017, EC chính thức rút “thẻ vàng” với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc về chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).
Từ ngày 15-24/5/2018, lần đầu tiên EC kiểm tra công tác khắc phục “thẻ vàng” và ghi nhận đã có một số tiến bộ.
Từ ngày 5-14/11/2019, EC kiểm tra lần thứ 2 và kết luận công tác chống khai thác IUU của nước ta đang đi đúng hưởng.
Tháng 10/2022, kiểm tra lần thứ 3, sau khi xem xét những kết quả đã đạt được rất khả quan và những tồn tại trong thực tế, EC đưa ra 4 khuyến nghị cụ thể: Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý tàu cá, giải quyết tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.
Từ ngày 10-18/10/2023, kiểm tra lần thứ 4, EC tiếp tục đánh giá cao nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam nhưng vẫn khuyến nghị cần thực hiện nghiêm túc các quy định đã có, nhất là thực hiện 4 khuyến nghị đã nêu ra lần trước.
Đến lần kiểm tra thứ 5 dự kiến vào tháng 10/2024, được xem là thời điểm quyết định để nước ta gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng”, còn nếu không thì dễ bị nâng lên “thẻ đỏ” sẽ có hậu quả khó lường.
Chỉ một tháng sau khi bị EC rút “thẻ vàng”, Quốc hội nước ta thông qua Luật Thủy sản 2017 vào ngày 21/11/2017, quy định hoạt động khai thác hải sản phải được quản lý, đúng pháp luật và bảo vệ nguồn lợi để phát triển bền vững. Từ đó đến nay, nước ta tổ chức 13 hội nghị do Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp chủ trì cùng với 11 văn bản, công điện, chỉ thị nhằm đạt kết quả cụ thể chống khai thác IUU.
Gần nhất là chiều 28/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 địa phương ven biển đã chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU để có thể gỡ “thẻ vàng” khi đón đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC. Thứ nhất là giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm khai thác IUU và dứt điểm xử lý tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Thứ hai là rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật. Thứ ba là thanh tra, kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.
Vị trí quan trọng của thị trường EU
Thủy sản nước ta xuất khẩu đi gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 5,28 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023. Có 3 thị trường hàng đầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông và EU. Thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông đều trên 930 triệu USD, chiếm hơn 17,6% tổng kim ngạch. Thị trường EU trên 600 triệu USD, chiếm gần 11,4%. Cả 3 thị trường đều tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặt biệt, xuất khẩu thủy sản tháng 7/2024 phục hồi mạnh, đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Ba thị trường hàng đầu cũng phục hồi mạnh nhất là Trung Quốc tăng 30% so với cùng kỳ, Mỹ và EU đều tăng 14%. Trong đó, xuất khẩu tôm phục hồi ấn tượng ở thị trường EU tăng 32%, Trung Quốc tăng 24%, Mỹ tăng 9%. Cá tra ở thị trường EU cũng tăng 5%.
VASEP đánh giá, về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Mỹ và EU sẽ là 2 thị trường kỳ vọng những tháng cuối năm 2024. Ở 2 thị trường này có những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu, đồng thời hàng tồn kho giảm.
Những con số trên cho thấy, thị trường EU rất quan trọng với thủy sản xuất khẩu của nước ta. Kết quả gỡ “thẻ vàng” sẽ mở rộng đường cho thủy sản nước ta sang thị trường quan trọng này, hơn nữa còn có ý nghĩa thông thoáng với các thị trường khác. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói: Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, thủy sản bán cho gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ thì phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của thị trường đặt ra, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, khai thác phải bảo vệ nguồn lợi cho tương lai. “Không chỉ với thị trường EU mà Nhật Bản, Mỹ cũng đã đặt ra vấn đề này”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.