Góc nhìn thủy sản Việt từ thị trường nội địa
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, thương hiệu thủy sản để xây dựng thành công trước tiên phải từ thị trường nội địa. Thực trạng thị trường nội địa nước ta tiêu thụ thủy sản như thế nào?
Ông Phan Đăng Thắng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là cán bộ nghiên cứu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, vừa hoàn thành “đánh giá tiêu dùng thủy sản có chứng nhận tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ”.
Ông Phan Đăng Thắng
Theo ông Thắng, tăng trưởng kinh tế nhanh trong hơn 30 năm qua của nước ta, đưa mức thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.200 USD, cũng tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giàu protein, đặc biệt từ sản phẩm thủy sản. Thế nhưng…
Lo ngại an toàn thực phẩm
Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn các chứng nhận có trách nhiệm chủ yếu đang được xuất khẩu. Dễ thấy nhất là tôm và cá tra, hai sản phẩm thủy sản chủ lực của nước ta. Chẳng hạn sản phẩm chế biến cá tra, trên 90% sản phẩm ngon nhất và có chứng nhận chất lượng được xuất khẩu; sản phẩm còn lại, các phụ phẩm, chưa đạt chất lượng để được chứng nhận mới tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Chế biến thủy sản ở ĐBSCL (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Trong lúc, đa số người tiêu dùng ở Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ có mối quan tâm hàng đầu khi chọn thủy sản là an toàn thực phẩm. Cụ thể, khảo sát 794 hộ gia đình ở ba thành phố, tỷ lệ quan tâm đến thủy sản an toàn ở Hà Nội chiếm 84,2%, TP.HCM 77,5% và Cần Thơ 86,4%, tính chung là 82,5%. Tỷ lệ này cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ quan tâm đến giá bán đắt chỉ 15,9%.
Ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến mối lo ngại vệ sinh an toàn thực phẩm với thủy sản của người tiêu dùng còn rất cao, tính chung ba thành phố chiếm 86,5% tổng số hộ khảo sát. Trong lúc, người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm có nhãn mác mới chiếm 35,3% và sản phẩm có chứng nhận lại chỉ 26,8%. Những con số này cho thấy thực trạng đáng buồn là các thông tin về sản phẩm có chứng nhận chất lượng còn ít được biết đến. Khảo sát sự hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm thủy sản có chứng nhận, đến 32,2% không biết về chứng nhận, bên cạnh là chỉ 8,2% biết về chứng nhận ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và 51,8% biết về VietGAP (Thực hành sản xuất nông sản tốt ở Việt Nam).
Sẵn sàng trả giá cao với thủy sản tốt
Ông Phan Đăng Thắng cho biết, những người được khảo sát hầu hết thuộc giai tầng trung lưu và trung lưu thấp. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là công nhân, làm thuê; tiếp theo là cán bộ nhà nước, văn phòng; làm công việc tự do; dịch vụ, kinh doanh nhỏ. Ba thứ hạng sau cùng là hưu trí, nội trợ; chủ doanh nghiệp; tiểu thủ công, vận chuyển. Trình độ học vấn của người tiêu dùng, cao nhất là đại học và sau đại học chiếm 51,8%, tiếp theo là trung học phổ thông 20,3%.
Về thu nhập trung bình tháng của hộ gia đình khảo sát, chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 10 đến dưới 20 triệu đồng. Xin lưu ý, một hộ khảo sát bình quân có 4 người. Tiếp theo là từ 5 đến dưới 10 triệu đồng; từ 20 đến dưới 30 triệu đồng. Còn lượng thủy sản tiêu thụ bình quân một người một tháng là 2kg.
Các hộ gia đình chủ yếu sử dụng thủy sản tươi sống. Tỷ lệ hộ sử dụng thủy sản tươi sống nước ngọt chiếm tới 93,1%, thủy sản tươi sống nước mặn và lợ cũng 88,8%. Vì tiêu thụ thủy sản tươi sống là chủ yếu nên nơi mua thủy sản chủ yếu là ở các chợ truyền thống, chiếm đến 77,2%; còn lại mua ở siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Gần 92% người tiêu dùng sẵn sàng mua sản phẩm thủy sản có chứng nhận chất lượng với giá đắt hơn. Mức độ sẵn sàng trả giá cao hơn, đa số chấp nhận giá cao hơn 10%; tiếp theo là 5% và 15%. Có 6,3% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn 20%. Khi có thủy sản chất lượng thì tỷ lệ khá lớn người tiêu dùng cho biết sẽ ăn nhiều hơn hiện nay.
Do đó, theo ông Thắng, thị trường nội địa nước ta cần tổ chức tốt hơn các hoạt động quảng bá sản phẩm có chứng nhận, minh bạch hóa thông tin đến người tiêu dùng, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc theo hệ thống tin học. Tổ chức các hoạt động từ nuôi trồng, chế biến và phân phối tới các đại lý, cửa hàng, siêu thị thủy sản có chứng nhận.
Tại Cần Thơ, Cục Xúc tiến Thương mại của Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo “Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm - tiêu chuẩn riêng trong hoạt động xuất khẩu”. Nhiều diễn giả trong và ngoài nước nhấn mạnh: sản phẩm để có thương hiệu, bên cạnh tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế còn phải có tiêu chuẩn riêng để người tiêu dùng lựa chọn. Trong đó, chứng nhận chất lượng của tổ chức độc lập là không thể thiếu.