Hà Giang: Thu nhập cao từ nuôi cá lồng trên sông Gâm
Xã Thượng Tân huyện Bắc Mê (Hà Giang) nằm dọc theo bờ của sông Gâm. Đây chính là một điều kiện thuận lợi để người dân xã Thượng Tân đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông.
Tính đến thời điểm tháng 9.2017, đã có 14 hộ dân của xã Thượng Tân triển khai nuôi cá lồng trên sông Gâm với tổng số lồng nuôi đạt 35 lồng. Theo những người nuôi cá lồng của xã Thượng Tân, những loại cá được người dân nuôi chủ yếu tại các lồng trên sông là cá trê phi, cá trắm, cá nheo và một số loài cá đặc sản như cá chiên, cá bỗng...do những loại cá này có giá trị kinh tế cao và phù hợp với chế độ nước của sông Gâm. Các loại thức ăn chủ yếu của cá là cám công nghiệp và các loại thức ăn viên được người nuôi cá chế biến từ bột ngô, cám gạo kết hợp với các loại cá nhỏ, ốc bươu vàng, giun quế và các phụ phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm….
Ông Nguyễn Văn Toàn, một hộ nuôi cá lồng trên sông Gâm của xã Thượng Tân cho biết: Các hộ gia đình nuôi cá thường làm lồng có kích thước từ 6 đến 8 m3, mỗi mét khối lồng cho thu nhập bình quân từ 25 - 30 kg cá trong một năm. Cá được nuôi lồng trên sông Gâm thường có chất lượng thịt thơm ngon hơn so cá nuôi trên các ao, hồ; do nguồn thức ăn của cá (ngoài do người nuôi chăm sóc), cá nuôi lồng còn được ăn thêm các loại thức ăn phù du trên sông và nguồn nước trên sông Gâm luôn tự chảy nên đảm bảo vệ sinh, cá nuôi thường ít bị dịch bệnh. Nguồn cá giống được người nuôi mua ở Trung tâm Thủy sản của tỉnh. Ngoài ra, những loại cá đặc sản như cá bỗng và cá chiên được người nuôi cá lồng thu mua của những người dân bắt trên các sông, suối trong vùng.
Do chất lượng thịt thơm ngon, nên các loại cá lồng trên sông Gâm thường có giá bán cao hơn so với các loại cá thông thường, bình quân từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg; riêng cá bỗng và cá chiên có giá từ 350 - 450 nghìn đồng/kg và chủ yếu được cấp cho các nhà hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang.
Như vậy, mỗi lồng nuôi có kích thước 6 mét khối thì trong một năm đã có nguồn thu nhập từ 45 - 60 triệu đồng/lồng. Bình quân mỗi hộ gia đình nuôi cá lồng trên sông Gâm có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư (giống, thức ăn, lồng nuôi…), cá biệt có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Toàn có nguồn thu nhập gần 250 triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng trên sông Gâm.
Ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết, Thượng Tân là một trong những xã phát triển nghề nuôi cá lồng đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện Bắc Mê. Nghề nuôi cá lồng trên sông Gâm đã tạo ra nguồn thu nhập khá lớn, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giầu của người nông dân. Trong những năm tới, UBND huyện Bắc Mê sẽ có các chính sách nhằm khuyến khích các hộ dân mở rộng qui mô phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Gâm nhằm nâng cao thu nhập và phục vụ cho công tác du lịch trên lòng hồ thủy điện của sông Gâm.