Hà Nam phát triển nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”
Gần đây, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao' đang mở ra hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Lý Nhân đã có một hộ chăn nuôi cá ứng dụng theo mô hình này, đó là hộ gia đình anh Phạm Văn Tiệp – Thôn Trác Ngoại, xã Nhân Đạo. Tuy mô hình đến nay mới được triển khai không lâu nhưng bước đầu đã cho thấy những dấu hiệu khả quan, hứa hẹn sẽ đem lại thành công.
Mô hình “sông trong ao" thực chất là việc nuôi cá trong bể, bể này được xây trong một ao lớn. Trong bể được trang bị máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá, hình thành cho cá thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục 24/24 giờ. Dòng nước tuần hoàn đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch. Bên ngoài bể, người nuôi tận dụng mặt nước có thể thả cá mè, rô phi hoặc thả bèo tây để hút chất thải từ bể ra. Đây là những điểm khác biệt của mô hình nuôi cá “sông trong ao" so với phương pháp nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, người nuôi cá phải đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe như: diện tích ao nuôi tối thiểu 0,5ha, xây dựng 1 bể (mô hình lý tưởng là 1,5ha với 3 bể), thể tích tối thiểu 10.000 m3 nước trở lên; người nuôi có trình độ, kiến thức nhất định trong nuôi trồng thủy sản (chăm sóc và nuôi cá, kiến thức xã hội, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm…). Đặc biệt là có nguồn kinh phí vì vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng, lắp đặt thiết bị ban đầu khá lớn, khoảng 200 - 250 triệu đồng/bể nuôi, chưa kể chi phí cải tạo ao nuôi, xử lý môi trường xung quanh và chi phí sản xuất lưu động (nguồn thức ăn, con giống, chất xử lý…).
Anh Phạm Văn Tiệp là người đầu tiên trong huyện áp dụng mô hình nuôi cá “sông trong ao". Đầu năm 2018, anh Tiệp được tham gia chuyến tham quan học tập mô hình nuôi cá sông trong ao tại Hưng Yên và Hải Dương do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam tổ chức cho các hộ có đầm, hồ và một số thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản. Nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm nên anh quyết định đầu tư để phát triển kinh tế theo hướng đi mới. Mô hình nuôi cá “sông trong ao" của hộ gia đình anh được nghiệm thu hỗ trợ theo quyết định số 994/QĐ – UBND, ngày 21/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Với diện tích ao rộng 3,25 ha, anh Tiệp xây 4 bể nuôi cá, trong đó 01 bể nuôi cá trắm cỏ, 01 bể nuôi cá diêu hồng và 02 bể nuôi cá chép lai; mỗi bể anh thả 6000 con. Sau gần 02 tháng nuôi, hiện cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, không có dấu hiệu bị bệnh và trọng lượng trung bình của cá đạt khoảng 0,6 – 0,7 kg/con. Ước tính, sau 6 tháng thu hoạch, sản lượng cá đạt 40 – 45 tấn, với kích cỡ trung bình 2,5-3kg/con.
Anh Tiệp cho biết: Thực hiện mô hình, anh được hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua cá giống và 30% kinh phí mua vật tư (chế phẩm xử lý môi trường, thuốc phòng chữa bệnh), tối đa không quá 210,25 triệu đồng/mô hình xây dựng tối thiểu từ 02 bể, theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư. Đồng thời, anh được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật “sông trong ao" và được hướng dẫn quy trình sản xuất từ lựa chọn giống đến chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn, hiệu quả cao. Tổng nguồn kinh phí mà gia đình đầu tư, xây dựng 4 bể nuôi, cải tạo ao và lắp đặt trang thiết bị, máy móc và tiền mua cá giống là khoảng 1,5 tỷ đồng.
Nói về hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao" so với phương pháp nuôi truyền thống, anh Tiệp cho biết: mô hình này cho phép nuôi cá với mật độ cao, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất cao hơn nhiều so với cách nuôi cá truyền thống, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao... Bên cạnh đó, nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao", nước bể nuôi luôn sạch, cá nuôi không tiếp xúc với bùn, nên bụng cá không có màng đen gây mùi hôi tanh như cá nuôi truyền thống, thịt thơm ngon, săn chắc. Chất thải của cá hút từ bể lắng đáy bể nuôi hàng ngày, sau khi se khô được dùng bón cho cây trồng rất tốt...
Mặc dù mô hình nuôi cá “Sông trong ao" của gia đình anh Tiệp mới được triển khai, đang trong giai đoạn theo dõi, đánh giá nhưng đã có những dấu hiệu khả quan, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá của hộ gia đình anh Tiệp, năm 2019, huyện đề xuất với UBND tỉnh mà trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng thêm 01 mô hình nuôi cá “sông trong ao" đối với 01 hộ nông dân ở xã Nguyên Lý. Tin tưởng rằng, mô hình nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao" giúp giải quyết được khó khăn của người dân trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời giúp xóa bỏ tập quán làm ăn nhỏ lẻ, hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.