Hà Nội: Phát triển thủy sản nhờ ứng dụng công nghệ
Theo tính toán, thị trường Hà Nội cần 250.000 tấn thủy sản vào năm 2020. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về sản lượng và chất lượng thủy sản hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được xem là giải pháp cần được chú trọng.
Chưa phát huy tiềm năng
Tại huyện Ba Vì, HTX Dịch vụ kỹ thuật và chăn nuôi thủy sản Tân Đô (HTX Tân Đô) hiện là một trong những cơ sở NTTS có quy mô lớn nhất, với diện tích mặt nước lên tới 15 ha. Tuy nhiên, việc NTTS chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống nên sản lượng hàng năm chỉ đạt 5 - 7 tấn/ha. Giám đốc HTX Tân Đô Nguyễn Văn Hải cho biết, cùng với giá cả thị trường biến động, thu nhập từ NTTS mới đạt khoảng 40 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ngoài những rào cản trên, ngành thủy sản Hà Nội hiện còn đối diện với nhiều thách thức khác. Điển hình là hạ tầng tại những vùng NTTS lớn như Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên… còn thiếu đồng bộ. 18.000 hộ NTTS trên địa bàn thành phố vẫn sản xuất chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, nguồn giống thủy sản chưa đa dạng, chất lượng không cao và khó kiểm soát dịch bệnh. Phần lớn thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố hiện vẫn ở dạng tươi sống nên giá trị kinh tế chưa đạt kỳ vọng. Đáng nói, thủy sản nuôi trồng theo công nghệ cao nhưng giá bán chỉ ở mức ngang bằng sản phẩm truyền thống, thậm chí nhiều thời điểm bị ép giá thu mua thấp hơn, cũng là rào cản đối với phát triển ngành.
Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ
Thực tế những năm qua, nhiều mô hình NTTS theo hướng bền vững đã được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Điển hình, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thí điểm NTTS theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ Biofloc, được thực hiện tại 4 vùng sinh thái của thành phố cho năng suất trung bình lên tới 20 tấn/ha (cao hơn 2 lần so cách thức nuôi truyền thống). Qua đó, giúp tăng giá trị kinh tế trên 30% cho người nuôi. Một số mô hình NTTS tiên tiến khác như: Hệ thống nuôi cá sông trong ao (IPRS), quy trình nuôi ghép cá rô phi - trắm - chép theo hướng an toàn sinh học, mô hình nuôi cá 3C (giống sạch - nguồn nước sạch - môi trường nuôi sạch)… cũng mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời giảm nguy cơ mất vệ sinh ATTP và ô nhiễm môi trường.
Là một trong những hộ tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, anh Nguyễn Tuấn Văn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) chia sẻ, với nguồn cá giống rô phi đơn tính được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ và hướng dẫn nuôi trồng theo phương thức mới; đến nay, 100% đàn cá phát triển tốt, trung bình mỗi con có trọng lượng hơn 800 g/con, dự kiến thu hoạch trong dịp tháng 1/2018 tới.
Nhân rộng không dễ
Hiệu quả thấy rõ, tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng công nghệ vào NTTS đòi hỏi nguồn vốn lớn. Theo Giám đốc HTX NTTS Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) Ngô Văn Hải, đối với công nghệ Biofloc, chi phí đầu tư lên tới 70 triệu đồng/ha. Do đó, để các hộ mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào NTTS, cần có cơ chế hỗ trợ về vốn và đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Để phát triển bền vững ngành NTTS, theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cần có sự kết hợp hài hòa 3 mặt tăng trưởng: Kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng những vùng NTTS tập trung theo quy hoạch. Phát triển các cơ sở sản xuất giống nhằm tạo thêm nhiều chủng giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hỗ trợ ứng dụng GAP/BMP trong NTTS nhằm quản lý hiệu quả chất lượng nguồn nước, phòng chống dịch bệnh. Cùng đó, từng bước xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các vùng NTTS, việc đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng vệ sinh ATTP đang rất nóng hiện nay.
Theo Sở NN&PTNT TP Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 30.000 ha tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Năm 2017, đã có khoảng 21.000 ha được đưa vào nuôi trồng với sự tham gia của 18.000 hộ, 23 hợp tác xã, 17 cơ sở sản xuất giống thủy sản, đạt năng suất hơn 110.000 tấn thủy sản các loại.