Hải Dương: Hiệu quả mô hình nuôi ghép cá rô phi theo GAP
Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP tại 4 điểm: xã Tái Sơn, Quang Phục - huyện Tứ Kỳ, xã An Đức - huyện Ninh Giang, xã Phú Điền - huyện Nam Sách. Quy mô của mô hình:2,0 ha và 6 hộ tham gia, mật độ nuôi 2 con/m2.
Đoàn tham quan mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP, tại Hải Dương
Các hộ tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá và được hướng dẫn, xử lý các tình huống bất thường xẩy ra đối với cá.
Trong quá trình triển khai, các hộ đã tuân thủ và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, quản lý trong nuôi cá mà mô hình yêu cầu.
Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá đạt 73%; hệ số thức ăn: 1,46 kg thức ăn (tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng cá). Trọng lượng cá bình quân đạt 0,56kg/con, năng suất bình quân đạt 8,2 tấn/ha. Với giá bán 40.000 đồng/kg, cho lợi nhuận 90 triệu đồng/ha/năm.
Các hộ dân tham gia mô hình cho biết, mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP giảm chi phí trong chăn nuôi, cá ít bị bệnh, tăng trọng nhanh, cho hiệu quả cao hơn so với các cách nuôi trước đây.
Anh Đỗ Thanh Dân ở xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ - thuộc hộ tham gia mô hình, cho biết: Anh nuôi cá từ nhiều năm nay, có hiệu quả nhưng chi phí cao hơn so với quy trình nuôi theo VietGAP mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Nuôi theo quy trình VietGAP, cá ít bệnh chi phí thuốc ít, cá nhanh lớn, chi phí thức ăn cho kg tăng trọng cá giảm. Gia đình anh được tham gia mô hình với quy mô diện tích ao nuôi 3.000m2, nuôi ghép theo tỷ lệ 60% cá rô phi đơn tính còn lại 40% cá các loại là cá trắm cỏ, chép V1, trôi, mè. Sau 7 tháng nuôi, anh thu lãi 27.890 đồng.
Qua đánh giá tổng kết mô hình cho thấy, mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính ngoài hiệu quả kinh tế nâng cao thu nhập, giúp người dân xoá đói giảm nghèo mô hình còn mang lại cho người dân các kỹ thuật nuôi cá mới. Phương thức nuôi phù hợp và đặc biệt hình thành cho người dân áp dụng những quy tắc thực hành nuôi tốt trong nuôi trồng thuỷ sản theo VietGAP khi mà nước ta đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Do đó đòi hỏi người dân không những sản xuất, phát triển với quy mô lớn mà chất lượng của sản phẩm cũng được nâng lên.
Kết quả bước đầu của mô hình là tiền đề cho viêc triển khai và nhân rộng mô hình nuôi cá ghép trong nhân dân vào những năm tiếp theo. Song, để phát triển ra diện rộng, cần đảm bảo nguồn giống chất lượng cao, thức ăn, thuốc thú y bên cạnh đó công tác thông tin, tuyên truyền cần đẩy mạnh giúp người dân tiếp cận cũng như có thông tin về phương thức nuôi cung như quy trình nuôi.