TIN THỦY SẢN

Hải sản Mỹ tổn thương trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Công nhân làm việc tại nhà máy của công ty cung cấp và phân phối hải sản Slade Gorton & Co. có trụ sở ở TP. Boston, Mỹ. Ảnh: WSJ Lê Linh

Gói áp thuế tiếp theo của Mỹ theo đề xuất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc có thể gây tổn thương cho ngành hải sản Mỹ, theo tờ The Wall Street Journal.

Nguy cơ 900 triệu đô cá và hải sản Mỹ bị chính Mỹ áp thuế

Tháng trước, chính quyền Mỹ đề xuất gói áp thuế nhập khẩu10% trên 200 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc bao gồm hàng chục loại cá và hải sản từ cá ngừ, cá thu, cá chình cho đến các loại cua, tôm, mực, bạch tuộc...Trump đang muốn nâng gói áp thuế này lên thành 25%.

Quyết định cuối cùng về gói áp thuế này sẽ được các đại diện thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 9 tới. Ước tính có khoảng 900 triệu đô la giá trị cá và hải sản trong danh sách hàng hóa Trung Quốc trong gói áp thuế mới của Mỹ, được đánh bắt tại Mỹ, rồi sau đó gửi sang Trung Quốc chế biến thành các sản phẩm như các lát cá tẩm bột, phi lê cá... rồi được các công ty Mỹ nhập lại và bán cho người tiêu dùng Mỹ.

“Giá trị gia tăng xảy ra ở một nước khác nhưng thực sự, đó là sản phẩm do người Mỹ nuôi trồng và đánh bắt”, Joseph Glauber, cựu nhà kinh tế trưởng ở Bộ Nông nghiệp Mỹ nói về các mặt hàng như cá và hải sản được thu mua ở Mỹ và gửi ra nước ngoài chế biến rồi được Mỹ nhập khẩu trở lại.

Ông Glauber cho rằng gói áp thuế đề xuất sắp tới nhằm vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc có thể làm giá cả thực phẩm hải sản tăng trong chuỗi cung ứng hải sản từ ngư dân đánh bắt cho đến người tiêu dùng.

Việc gửi cá và hải sản từ Mỹ sang Trung Quốc chế biến, đóng gói đã phát triển mạnh trong hai thập kỷ qua. Các nhà máy chế biến hải sản ở Mỹ đối mặt với mức chi phí hoạt động cao và tình trạng thiếu hụt nhân công, trong khi đó, các cơ sở chế biến hải sản với chi phí rẻ hơn mọc lên như nấm ở Trung Quốc để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản quy mô ngày càng lớn của nước này.

Lợi thế này giúp Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hải sản số một cho Mỹ với 650.000 tấn hải sản được bán sang Mỹ vào năm ngoái, cao gấp đôi so với Ấn Độ, nhà cung cấp hải sản lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, theo công ty nghiên cứu thị trường Urner Barry.

Tổn thương do các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ

Tính dễ bị tổn thương của ngành hải sản Mỹ trước các biện pháp áp thuế của chính phủ Mỹ nhằm vào nước khác cho thấy các chuỗi cung ứng đang liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào.

Nhiều loại cá chẳng hạn cá hồi hồng được đánh bắt bởi các đội tàu cá của ngư dân ở Alaska, bang đông nam nước Mỹ, sau đó, được vận chuyển đến các nhà máy để chặt đầu, moi ruột và trữ đông trước khi được đưa lên các container tàu biển lên đường sang Trung Quốc. Một khi đến Trung Quốc, các sản phẩm cá của Mỹ sẽ được rã đông, rút xương, xông khói, cắt thành phi lê rồi bán ra toàn thế giới, bao gồm Mỹ.

Hơn một nửa sản lượng hải sản của bang Alaska được gửi sang Trung Quốc để chế biến và tái xuất sang Mỹ, theo Garrett Evridge, nhà nghiên cứu kinh tế ở công ty tư vấn McDowell Group có trụ sở ở bang Alaska. Tỷ lệ phần trăm sản lượng gửi sang Trung Quốc chế biến có thể lên mức 95% đối với một số loại cá chẳng hạn cá bơn.

Ngành công nghiệp đánh bắt hải sản là một trong những ngành sử dụng lao động lớn nhất ở Alaska, ước tính khoảng 60.000 người và ngành hải sản Alaska đóng góp đến 60% tổng sản lượng đánh bắt của cả nước Mỹ.

Một số nhà sản xuất hải sản vùng Vịnh Mexico (giáp Mỹ về phía đông bắc) đã vận động áp thuế hải sản Trung Quốc bao gồm cá. Hồi tháng 5, trong thư gửi cho Nhà Trắng, Liên minh tôm miền Nam Mỹ (SSA) nói rằng hải sản bao gồm tôm được nuôi trồng ở Trung Quốc thường được cung cấp kháng sinh và cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm của các thành viên SSA.

Các công ty kinh doanh hải sản Mỹ gặp khó

Vì cá đánh bắt ở môi trường tự nhiên tại Mỹ không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, hơn 80% nhu cầu tiêu cầu tiêu thụ hải sản của Mỹ phải trông cậy vào nhập khẩu, theo Cục Quản lý khí quyển và hải dương quốc gia Mỹ. Các công ty kinh doanh hải sản ở Mỹ nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ doanh thu giảm sút do giá cá nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng một khi gói áp thuế mới được thực hiện.


Tôm hùm Mỹ là một trong những mặt hàng hải sản bị Trung Quốc áp thuế trả đũa 25% hồi tháng 7. Ảnh: AP

Vì các công ty này đang kinh doanh với biên lợi nhuận thấp, họ sẽ phải chuyển chi phí thuế vào giá bán cho các nhà hàng, các nhà bán lẻ thực phẩm và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

“Chỉ cần tăng giá bán thêm 0,25 - 0,5 đô la Mỹ cũng đã gây tốn kém thực sự”, Kim Gorton, giám đốc điều hành công ty Slade Gorton & Co. ở TP. Boston nói. Công ty này nhập khẩu cá hồi, cá tuyết và cá minh thái được đánh bắt ở Mỹ nhưng  được đưa sang Trung Quốc chế biến. Một số công ty kinh doanh hải sản cho biết họ đang liên hệ với các nhà cung cấp Trung Quốc để thương lượng giá bán trong trường hợp gói áp thuế mới được thông qua.

Hải sản thường dễ tổn thương trước các biến động tăng giá vì mặt hàng này vốn đã có giá bán trung bình cao hơn các sản phẩm cung cấp protein khác như thịt heo, thịt gà.

“Nếu tôi nâng giá lên 10%, khách hàng sẽ không đặt hàng nữa”, Sean O’Scannlain, chủ tịch công ty Fortune Fish & Gourmet ở TP. Chicago, chuyên bán sĩ hải sản, nói. Công ty này nhập 150 tấn cá rô phi, mực ống và cua tuyết từ Trung Quốc mỗi năm. O’Scannlain cho biết các đơn hàng đặt mua hải sản từ Trung Quốc đang tăng mạnh để tránh đợt thuế sắp tới.

Một số phân khúc của ngành hải sản Mỹ vốn đã bị tổn thương sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ nhằm vào 34 tỉ đô hàng hóa Mỹ, bao gồm một loạt loại cá và tôm hùm. Trong những tuần gần đây, các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc đã kìm hãm doanh số xuất khẩu hải sản của Mỹ khi một số khách hàng chuyển sang các nhà cung cấp Canada.

Công ty The Lobster Co. ở bang Maine phụ thuộc vào Trung Quốc hơn 30% trong tổng doanh thu 30 triệu đô la hàng năm nhưng các đơn hàng đã ngưng trệ kể từ khi gói áp thuế thứ nhất nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.

“Không có cách thần kỳ nào tôm hùm của công ty tôi cạnh tranh nổi với tôm hùm của Canada vốn không bị áp thuế 25% ở Trung Quốc”, Stephanie Nadeau, chủ tịch công ty The Lobster Co., nói.

Công ty nuôi trồng và phân phối hải sản Seattle Shellfish ở bang Washington, xuất khẩu 85% sản lượng ốc vòi voi sang Trung Quốc nhưng hiện nay doanh số bán sang thị trường đã giảm 25% so với mức bình thường của mọi năm. Jim Gibbons, giám đốc điều hành Seattle Shellfish, cho biết nếu doanh số tiếp tục yếu vào tháng 9 tới, lúc cao điểm của vụ mùa, ông có thể buộc phải giảm lương của 60 nhân công hoặc cắt giảm bớt việc làm.

Lê Linh SGGP