TIN THỦY SẢN

Hạn hán ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản

Người nuôi tôm ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước) tập trung chăm sóc hồ tôm. Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN

Từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình khô hạn kéo dài đã gây ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, diện tích nuôi cá nước ngọt bị thu hẹp đáng kể; tình hình dịch bệnh tôm nuôi cũng diễn biến phức tạp, để lại nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm.

NTTS lao đao vì khô hạn

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Tình trạng khô hạn kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động NTTS cả nước ngọt và nước lợ. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được 2.646 ha tôm nước lợ và cá nước ngọt, giảm 25% diện tích so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nuôi thủy sản nước ngọt 819,5 ha; thủy sản nước lợ 1.826,7 ha.

Do lượng mưa từ đầu năm đến nay quá thấp đã làm cho mực nước tại các hồ chứa xuống thấp, khô kiệt, hoạt động nuôi cá lồng trong hồ chứa gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hoạt động nuôi cá lồng chỉ còn tập trung tại hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) và hồ Tân Thắng (Phù Cát), với thể tích lồng nuôi 12.585 m3. Đáng lo ngại là công tác thực nghiệm, bảo vệ đàn cá giống bố mẹ, sản xuất con giống thủy sản cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khô hạn.

Ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hiện tại, Trung tâm đang quản lý 2 trạm giống thủy sản đặt tại xã Mỹ Châu (Phù Mỹ) và Cát Tiến (Phù Cát), nhằm cung cấp nguồn con giống thủy sản nước ngọt, lợ, mặn cho người dân trong tỉnh và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của đơn vị”.

Tại Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu, lượng nước tại các hồ Hóc Hòm, Hóc Lách, Đồng Đèo xuống rất thấp, nguy cơ không đảm bảo đủ nguồn nước ngọt để duy trì đàn cá giống bố mẹ và nuôi giữ đàn cá chép Nhật Bản đang hiện hữu. Hiện, Trạm đang nuôi 13,5 tấn cá giống bố mẹ gồm: trắm, trôi, mè, chép, rô phi, điêu hồng, lăng nha, bống tượng, trê lai… với tổng giá trị 2 tỉ đồng. Để có đàn cá giống này, đơn vị phải nghiên cứu, lai tạo, phát triển trong gần 10 năm. Thế nhưng, tình trạng hạn hán đang đe dọa đến việc nuôi giữ đàn cá.

Hoạt động NTTS nước lợ, nước mặn tại các địa phương ven biển không sáng sủa hơn là mấy. Do thiếu nguồn nước ngọt nên tiến độ thả tôm giống tại các địa phương ven biển khá chậm; độ mặn trong ao nuôi tôm tăng cao, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh tôm nuôi khá cao.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được 1.826 ha/2.150 ha, chiếm 84% diện tích nuôi tôm hiện có. Trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, bán thâm canh là 368 ha, nuôi quảng canh cải tiến xen tôm với các đối tượng thủy sản khác như cua, cá 1.458 ha. Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đến thời điểm này là 25 ha, xảy ra trên đối tượng tôm thẻ chân trắng nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh. Trong đó, bệnh do vi-rút đốm trắng trên 19 ha, bệnh do môi trường 5,6 ha, tập trung tại các vùng nuôi tôm của huyện Tuy Phước 21,6 ha và Phù Mỹ 3,1 ha.

Ngoài ra, do nền nhiệt độ tăng cao cộng với việc chăm sóc không hợp lý đã làm cho dịch bệnh phát sinh trên đàn tôm hùm giống tại thôn Hải Đông và Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Theo UBND xã Nhơn Hải, dịch bệnh đã làm cho trên 5.000 con tôm hùm giống chết, giá trị thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Tập trung chống hạn

Trước tình hình hạn hán đe dọa đến hoạt động NTTS, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp chống hạn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đối với hoạt động NTTS. Lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tăng cường việc quan trắc môi trường nước tại các địa điểm nuôi tôm sú, tôm hùm ven biển, thường xuyên kiểm tra các thông số về nhiệt độ môi trường nước, độ kiềm, độ mặn, độ pH…, kịp thời khuyến cáo các giải pháp chăm sóc hợp lý cho người nuôi tôm. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn nước tại các hồ chứa lớn cung cấp nước ngọt cho hoạt động NTTS ven biển.

Ông Phan Thanh Việt cho biết: “Để bảo vệ an toàn đàn cá giống bố mẹ và đàn cá chép Nhật Bản tại Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu, đơn vị đã chi kinh phí để nạo vét, khơi sâu các hồ chứa Hóc Hòm, Hóc Lách, Đồng Đèo trên địa bàn xã Mỹ Châu; hỗ trợ kinh phí mua xăng dầu để bơm nước, xây dựng hệ thống thủy lợi, mua hóa chất khử trùng, men vi sinh… phục vụ cho việc nuôi dưỡng, duy trì đàn cá giống. Trước tình hình hạn hán đang diễn biến phức tạp, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã tạm dừng việc sản xuất cá giống, đồng thời lên phương án di dời đàn cá”.

Đối với hoạt động NTTS trên các ao, hồ, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến cáo người dân không nên nuôi cá tại những nơi không đảm bảo nguồn nước, thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để tránh thiệt hại. Còn những hộ nuôi cá lồng, bè thì chú ý theo dõi chặt chẽ lượng nước tại hồ chứa, nhằm chủ động di dời kịp thời đàn cá đến nơi an toàn. Nếu trong trường hợp gần xuất bán mà nguồn nước bị khô kiệt thì tiến hành thu hoạch sớm, nhằm tránh rủi ro xảy ra.

Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN Báo Bình Định, 14/06/2016