TIN THỦY SẢN

Hàng chục người cầm mã tấu đi cướp sò huyết giống ở miền Tây

Anh Giang đang tận thu sò huyết giống còn sót lại sau khi bị nhóm người lạ mặt cướp. Ảnh: Phúc Hưng Phúc Hưng

Nghề nuôi sò huyết và nghêu giống mang lại lợi nhuận cao. Song song với sự phát triển của nghề này thì nạn cướp nghêu và sò huyết cũng diễn ra rất phức tạp.

Từ đầu tháng 7, từ 9h đến 11h hàng đêm, có hơn 40 người chạy vỏ máy (ghe thông dụng ở địa phương) trang bị đèn pin, vợt, máy hút vào khu vực nuôi sò huyết giống của người dân ở xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) ngang nhiên cắt lưới, xông vào khai thác. "Họ mang theo mã tấu, chĩa nhọn nên chúng tôi không dám chống trả", ông Nguyễn Minh Có, một trong những hộ dân bị cướp sò huyết, cho biết.

Hàng đêm, hơn 40 người cầm mã tấu kéo đến khai thác sò huyết giống của người dân ở khu vực bãi bồi huyện Năm Căn, Cà Mau.

Tối 3/7, anh Nguyễn Thanh Tùng, bảo vệ khu vực nuôi sò huyết giống, cùng một người bạn ở chòi canh thì có 4 thanh niên lạ mặt cầm mã tấu đi trên vỏ máy áp sát. Anh Tùng và bạn dùng gậy gỗ kháng cự quyết liệt, khiến những kẻ này không lên được chòi.

  "Ít phút sau, họ huy động hơn 10 vỏ máy chở theo nhiều người đến dọa dùng bom xăng đốt chòi, ép chúng tôi chỉ khu vực nuôi sò. Sợ nguy hiểm đến tính mạng nên tôi phải chỉ điểm có sò huyết giống cho họ khai thác", anh Tùng kể.

Bãi bồi sò huyết bị cướp rộng khoảng 100 ha (diện tích mặt nước), được ông Nguyễn Tấn Vĩnh cùng nhiều hộ dân khác thuê của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau từ đầu năm nay. Theo hợp đồng, chủ bãi bồi có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho các hộ dân, đồng thời được hưởng 5% tổng sản lượng sò huyết sau thu hoạch.

"Mọi người vay tiền ngân hàng, mượn thêm bên ngoài góp vốn được hơn 5 tỷ đồng mua sò huyết giống thả nuôi từ đầu tháng 3. Hiện sò đã đạt trọng lượng từ 500 - 1.200 con một kg, chuẩn bị di dời ra khu vực nuôi thương phẩm, thì bị nhóm người lạ mặt đến cướp", ông Vĩnh cho biết.

Theo các hộ dân, tổng số sò huyết giống bị nhóm người khai thác trái phép trong những ngày qua khoảng 15 tấn, tương đương 3 tỷ đồng. "Thấy nhóm người kia cướp trắng trợn tài sản của mình mà chúng tôi không biết làm gì. Hiện chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu đến lãnh đạo Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và công an địa phương", ông Lê Văn Tươi, người đầu tư hơn 2 tỷ đồng, nói.

Ông Lý Hồng Thao - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho rằng, do khu vực nuôi quá lớn, trong khi lực lượng bảo vệ ít nên rất khó quản lý. "Chúng tôi đã làm việc với Công an xã Lâm Hải và Công an huyện Năm Căn để tìm phương án giúp các hộ nuôi trong việc bảo vệ tài sản", ông Thao cho hay.

Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết, đã tiếp nhận thông tin các hộ dân trình báo và đã chỉ đạo Công an huyện Năm Căn rà soát, nắm bắt tình hình báo về tỉnh để có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng cướp sò huyết của nông dân.

Nghề nuôi sò huyết và nghêu giống xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh ven biển miền Tây, vì mang lại lợi nhuận cao. Song song với sự phát triển của nghề này thì nạn cướp nghêu và sò huyết cũng diễn ra rất phức tạp, từng là điểm nóng ở Cà Mau và Bạc Liêu. Năm 2011, hàng nghìn người đã đổ xô đi cướp nghêu của các hợp tác xã ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Phúc Hưng Vnexpress, 07/07/2016