TIN THỦY SẢN

Hành trình thuần hóa loài thủy quái trên sông Son

Anh Ngô Thiên nhớ lại giây phút câu cá chình trước động Phong Nha Ngô Huyền

Từ một loài cá chỉ sống được trong môi trường tự nhiên, bằng sự đam mê, nổ lực tìm tòi, ông Hoàng Văn Thái đã thuần hóa thành công loài cá Chình nuôi trong các lồng bè dọc sông Son.

Loài thủy quái trên sông Son

Nhiều người dân sống bên cạnh sông Son (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn ví cá chình như một loài thủy quái toàn thân đen trũi, mình rắn, đuôi lươn. Cá chình thường sống dưới những hang đá sâu, có dòng nước chảy xiết nên muốn bắt được nó không thể thả lưới mà phải thả câu. Phải là người có nghề mới câu được chình vì chúng rất tinh khôn, hễ cảm nhận được nguy hiểm là nằm lì trong hang, lúc bị cắn câu rồi thì tìm cách rút vào hang rất khó kéo lên.

Nói về nghề câu cá chình, anh Ngô Thiên (SN 1973, trú thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch), một thợ lặn có tiếng tại địa phương này cho biết, anh đã có hơn 20 năm hành nghề thợ lặn, nhiều lần phải đối diện với ranh giới giữa sự sống và cái chết, trong đó, câu chuyện câu cá chình ở trước động Phong Nha vẫn khiến anh nhớ mãi.

“Lần đó tui thả câu ngay trước động Phong Nha, một con cá chình rất to, khỏe cắn câu. Biết được đặc tính của loài cá này, tôi phải liều mình lặn xuống hang sâu. Con cá chình to, khỏe kéo tui chìm sâu dưới nước, mắc theo dây quấn quanh chân, nhưng nhờ kinh nghiệm, với xử lý bình tĩnh nên tui đã từ từ gỡ dây quấn quanh chân, mới may mắn thoát chết”, anh Thiên chia sẻ.

Trước đây, vùng sông Son có rất nhiều loại cá, tôm sinh sống, buổi sáng sớm, người dân chỉ cần chèo thuyền ra giữa sông quăng lưới là đã có cá ăn, không cần phải vất vả như bây giờ. Chính vì vậy, người ta không hề để ý đến loài cá chình nằm ẩn mình dưới các hang sâu khó đánh bắt.

Hơn chục năm trở lại đây, khi du lịch hang động trở nên phát triển, số lượng du khách tập trung đến Phong Nha – Kẻ Bàng ngày một đông. Nhiều khách du lịch sành ăn thường hỏi chủ quán về loài cá đặc biệt này. Từ đó, cá chình lên giá vùn vụt, trở thành thứ đặc sản cho những thực khách “thượng lưu”.

Nhận thấy nghề câu cá chình bán cho các nhà hàng “được giá” người dân địa phương bắt đầu đổ xô đi câu, dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái trên sông Son. Hơn nữa, trong hơn 70 loài cá được tìm thấy ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có 3 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó có 2 loài cá chình là chình hoa và chình mun. Mọi hoạt động mua bán, săn bắt cá chình trên sông Son đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, người ta không dám bày bán công khai mà chỉ bán bằng cách truyền miệng. Tức là khi có khách tới, chủ quán sẽ giới thiệu miệng mới khách, nếu khách đồng ý thì họ mới mang cá đi làm thịt rồi biến món ăn.

Gặp người đàn ông thuần hóa loài thủy quái trên sông Son

Nhu cầu cá chình ngày càng lớn nhưng từ trước đến nay, ở vùng Sơn Trạch chưa có ai có thể nuôi được cá chình trong lồng như các loài cá khác, vì vậy loại cá này ngày càng khan hiếm, đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Nhận thấy tình hình trên, vào năm 2011, xã Sơn Trạch tổ chức đoàn tham quan vào Hải Lăng (Quảng Trị) và thành phố Huế học tập kinh nghiệm nuôi cá chình lồng. Trong đoàn, ngoài chính quyền địa phương còn có ông Hoàng Văn Thái (thôn Xuân Tiến) và ông Huỳnh Văn Đệ (thôn Gia Tịnh).


Những thành tích đạt được của ông Thái trong quá trình nuôi cá lồng tại địa phương

Đều là những hộ gia đình có nhiều kinh nghiệm nuôi cá lồng dọc sông Son, nên ngay sau khi đi tập huấn về, gia đình ông Thái và ông Đệ tự tin bắt tay vào mô hình nuôi cá chình.Với số tiền hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ từ UBND xã Sơn Trạch, ông Thái tiến hành nuôi thử nghiệm trên sông, ông Đệ thử nghiệm nuôi cá chình trong ao hồ. Tuy nhiên, được một thời gian, toàn bộ số cá chình nuôi trong ao hồ đều dần chết hết, riêng số cá chình gia đình ông Thái nuôi trong lồng vẫn phát triển bình thường.

Hơn một nửa đời người gắn bó với nghề nuôi cá lồng, ông Thái đã đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm: “Không giống với các loài cá khác, cá chình thích hợp với vùng nước lạnh, sâu. Quá trình sinh trưởng và phát triển, cá không bi dịch bệnh nhưng lại rất kén ăn. Thức ăn của nó là các loại cá nhỏ, ếch, nhái hoặc giun đất, cá chỉ ăn thức ăn trong ngày chứ không để lâu. Trung bình một ngày, tôi phải mua khoảng 70 nghìn tiền thức ăn cho lồng cá chình khoảng hơn 100 con”.

Ông Thái nuôi cá chình trong lồng được hàn kín bằng kẽm nguyên tấm dày khoảng 2,5mm, chiều dài khoảng 2m, chiều rộng khoảng 2,5m và chiều cao khoảng 2,5m. Xung quanh lồng được khoan lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa, bên trong lồng được đặt hai ống nhựa dài từ 1 - 1,2m, đường kính khoảng 20cm.


Lồng nuôi cá chình được ông Thái đầu tư rất công phu

Hiểu được đặc tính sinh sống của cá thì việc đưa loài cá này từ tự nhiên về nuôi trong lồng cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Thái cho biết có một khó khăn lớn nhất đối với người nuôi cá chình hiện nay là nguồn giống. Đến nay, trên cả nước chưa có cơ sở nào lai tạo được giống cá chình, vì vậy, mỗi lần có nhu cầu nuôi thêm lứa cá mới, ông Thái phải thu mua các cá nhỏ được ngư dân đánh bắt đem ra chợ bán. Trung bình, một kg cá con có giá từ 300 – 400 nghìn đồng.

Đối với cá giống tốt nhất là từ 2-3 lạng, loại cá này nuôi rất nhanh lớn. Còn với những con giống từ 7-8 lạng, mình nuôi sau 1 năm là có thể bán. Giá cá chình hiện nay giao động khoảng 700 nghìn/1kg.

Nói về mô hình nuôi cá chình trên sông Son, tin nhanh từ ông Trần Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: “Nguồn giống cá là nguyên nhân chính dẫn đến mô hình nuôi cá chình trên địa bàn khó có thể nhân rộng. Cộng thêm việc người dân đánh bắt cá chình về bán con giống cho các hộ nuôi cá là một điều rất bất cập, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của dòng sông. Hiện tại, trên địa bàn xã có 5 hộ gia đình nuôi cá chình lồng, trong đó, chỉ có gia đình ông Thái là hộ nuôi nhiều và thành công nhất”.

Ngô Huyền Người đưa tin, 24/07/2015