TIN THỦY SẢN

Hậu Giang: Bảo vệ cá lồng, bè mùa mưa bão

Người nuôi cá ở xã Đông Phú thường xuyên kiểm tra lồng, bè vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão. Chí Công

Vài năm gần đây, nghề nuôi cá trong lồng, bè trên các nhánh sông lớn của tỉnh Hậu Giang phát triển khá mạnh. Đây là nghề cho thu nhập khá nhưng người nuôi thường chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh, đặc biệt vào giai đoạn cao điểm mùa mưa bão.

Cứ vào khoảng tháng 8 hàng năm thì vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu xuất hiện liên tục những cơn mưa lớn kéo dài, làm cho lưu lượng nước từ đầu nguồn sông Mekong ồ ạt đổ về. Điều này góp phần mang lại nguồn thủy sản tự nhiên phong phú cho các tỉnh cuối nguồn, trong đó có Hậu Giang. Bên cạnh những lợi ích lớn là nỗi lo không nhỏ đối với nhiều hộ dân nuôi cá trong lồng, bè trên các nhánh sông lớn của tỉnh.

Đứng bên bè cá, ông Thái Văn Diệu, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cho biết thường vào tháng 7 hàng năm, người dân ở đây hầu như thu hoạch cá nuôi trong lồng, bè gần hết và chuẩn bị cho vụ thả mới. Song, lúc này sắp bước vào thời điểm “mưa to gió lớn”, cho nên để giảm thiểu rủi ro, ông luôn giặt sạch lưới, tăng cường kiểm tra các cọc cây được đóng cố định để giữ bè cá được an toàn, cũng như sẵn sàng di chuyển bè cá vào bờ khi có nước chảy xiết.

Nhờ vậy mà qua 2 mùa mưa bão gần đây, 4 bè nuôi cá điêu hồng của gia đình ông Diệu vẫn được giữ vững, năng suất khá ổn định, khoảng 6 - 8 tấn cá điêu hồng/bè, kinh tế dần cải thiện. Cũng theo ông Diệu, mỗi lồng, bè có diện tích khoảng 72m2, chia thành 2 - 3 ô nuôi nên gây lực cản nước khá lớn. Trong khi nước ròng, sông Cái Cui, đoạn chảy qua địa bàn xã Đông Phú, giáp với địa phận thành phố Cần Thơ có dòng nước chảy xiết. Vì thế, để thả nuôi đạt hiệu quả và mang tính ổn định lâu dài, người dân thường thiết kế khung lồng, bè kiên cố bằng sắt không rỉ, trên lót ván, dưới dùng thùng phuy nhựa để nâng và dây giữ cố định lồng, bè cho chắc chắn. Đồng thời, còn làm mũi nỏ 2 đầu (vật cản rác thải và lục bình), hạn chế gây ô nhiễm môi trường nước mặt và dịch bệnh xảy ra cho cá.

Đó chỉ là giai đoạn bước đầu trong việc ứng phó với mưa bão của những hộ chuẩn bị thả cá như ông Diệu. Riêng những lồng, bè cá điêu hồng, thát lát, cá lóc chuẩn bị xuất bán, người dân còn che thêm lưới mùng, tăng cường xử lý thuốc để bảo vệ đàn cá. Nuôi cá lồng hơn 2 năm, anh Lê Thanh Tiền, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, chia sẻ: “Nuôi cá điêu hồng theo hình thức này, ngoài lo mưa to, tôi còn ngại thời tiết nắng, mưa xen kẽ thất thường. Bởi cá dễ bị sốc nhiệt, nhiễm bệnh, bỏ ăn, thậm chí là chết, gây rủi ro cao”.

Theo đa số hộ nuôi cá ở ấp Phú Nhơn, vào cao điểm mùa mưa bão, nước ở sông Cái Cui dâng cao và luôn cuốn trôi các rác thải khó phân hủy như: túi ni-lông, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, tiềm ẩn mầm bệnh lây lan cho cá. Cho nên giờ đây, ngoài việc kiểm tra, gia cố thường xuyên lồng, bè thì anh Tiền tăng cường xử lý thuốc, vôi bột định kỳ, trộn vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

Với cách làm này, từ trước đến giờ, cá nuôi của anh ít hao hụt, xuất bán với giá khá cao, thu lợi nhuận khá hấp dẫn. Vì vào thời điểm mưa bão, rất ít hộ ở địa phương còn cá xuất bán giống như anh. “Các thương lái vào cân cá ở mức 31.000 - 32.000 đồng/kg. Vì vậy, chỉ cần năm nay, giá thu mua cá điêu hồng và năng suất ổn định như các vụ thả nuôi trước, chắc chắn tôi kiếm lời không dưới 20 triệu đồng/lồng”, anh Tiền chia sẻ thêm.

Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Thị Thùy Lam thông tin: Khả năng năm nay, mưa bão diễn biến bất thường, người nuôi phải theo dõi chặt chẽ dự báo tình hình thời tiết của cơ quan chức năng để chủ động ứng phó kịp thời. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, gia cố lại lồng, bè cho vững chắc. Khi có mưa to gió lớn phải có biện pháp di chuyển đến nơi an toàn, nhất là chú ý kỹ các hệ thống dây điện, máy chạy oxy. Ngoài ra, thường xuyên liên hệ với cán bộ kỹ thuật thủy sản, khuyến nông địa phương để có những biện pháp xử lý phù hợp khi có sự cố xảy ra. Đối với các hộ nuôi chưa thu hoạch thì chủ động phòng trị bệnh cho lồng, bè cá. Những ngày mưa có thể treo túi muối, vôi ở đầu lồng, bè để khử trùng; giảm lượng thức ăn, trộn khoáng chất, tăng sức đề kháng cho cá nhằm tránh thiệt hại, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 100 lồng, bè nuôi cá trên sông. Hầu hết đều tập trung ở huyện Châu Thành, với 92 lồng, bè; còn lại ở huyện Phụng Hiệp. Đối tượng thả nuôi chủ yếu là cá thát lát, cá điêu hồng, cá lóc, cá trê. Hiện, người dân đã thu hoạch gần hết, số còn lại chưa đầy 20 lồng, bè.

Chí Công Báo Hậu Giang, 12/08/2016