TIN THỦY SẢN

Hậu Giang: Nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa

Anh Trần Hoàng Tâm, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, ương cá giống để thả tiếp trong mùa nước nổi sắp tới. Bài, ảnh: Chí Công

Hiện phong trào nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa đang phát triển ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình mà bà con nông dân có thể tận dụng mùa nước nổi để thả cá, với cách làm này vừa tốn ít chi phí, vừa thu về lợi nhuận khá cao.

Thay vì bà con tận dụng mùa nước nổi để giữ và nuôi cá đồng tự nhiên thì hiện nay có thể chọn lọc đối tượng thả nuôi để đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Thông thường người dân chọn thả nuôi một số chủng loại như: cá lóc, cá trê, cá rô,… vì giá trị kinh tế cao. Gắn bó hơn 6 năm nuôi cá đồng trên ruộng lúa, anh Trần Hoàng Tâm, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết: “Mô hình nuôi cá đồng tuy không mới, nhưng chẳng bao giờ cũ đối với tôi, vì cứ vào mùa nước nổi là tôi thả nuôi cá trê vàng. Cứ thế, qua mỗi năm, từ 7 công đất ruộng tôi thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng từ nuôi cá. Hiện tại, tôi đã ương cá giống để thả nuôi trên ruộng vào mùa nước nổi tới”.

Để có được thành công như ngày hôm nay, lúc đầu anh chỉ thả nuôi thử nghiệm 5-10kg cá trê giống trong vèo, thấy có hiệu quả rồi nhân rộng và chuyển sang hình thức nuôi trên ruộng lúa. Theo anh Tâm, do đất ruộng trũng thấp không làm được vụ lúa Thu đông nên sau khi thu hoạch vụ lúa Hè thu là anh bắt đầu nạo vét, đắp bờ bao kiên cố và làm sạch cá tạp, chờ nước lên rồi tiến hành thả nuôi. Nhưng trước khi thả cá giống ra môi trường tự nhiên thì anh đã ương cá giống trong ao, vèo nhằm tránh thất thoát trong quá trình nuôi. Thông thường, hàng năm, anh thả gần 70kg cá trê vàng, nhưng do đặc tính là loại cá ăn tạp và dễ nuôi nên sau 4-5 tháng thả nuôi sẽ cho thu hoạch hơn 1,3 tấn cá thịt.

Theo những hộ nuôi cá trên ruộng lúa, vào mùa nước nổi đầu tư chi phí không cao, vì người dân có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong môi trường nước tự nhiên như: lúa chét, côn trùng và động vật phù du khác,... Đồng thời, muốn cá trê có màu vàng óng và bán được giá cao thì thỉnh thoảng bà con cho ăn dặm thêm thức ăn chuyên dùng cho cá. Anh Lê Duy Toàn, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, cho hay: “Tôi chọn nuôi cá trê vàng vì sản lượng đạt cao và giá bán khá hấp dẫn, hiện các thương lái vào thu mua cá tại ruộng với giá 63.000 đồng/kg. Nếu so với làm lúa vụ 3 (vụ lúa Thu đông), mô hình nuôi cá này có khả quan hơn nhiều”. Anh Toàn chỉ mới thả nuôi cá lần đầu trên 4 công đất ruộng, với khoảng 30kg cá trê vàng giống, nhưng khi thu hoạch và trừ hết chi phí đã mang về nguồn thu cho gia đình gần 13 triệu đồng. Anh Toàn cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, vì đặc tính của loài cá trê vừa dễ nuôi, vừa không kén chọn thức ăn và luôn thích ứng tốt với môi trường nuôi, dù nước có bị phèn nhẹ, hay có dấu hiệu nhiễm mặn như hiện nay.

Hiện nay, mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa được người dân quan tâm thực hiện, vì thế không chỉ có ở huyện Long Mỹ mà còn ở một số địa phương lân cận, như: huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy,… cũng thả nuôi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, anh Trần Văn Vẹn, cán bộ khuyến nông huyện Long Mỹ, thông tin: Ngoài việc làm sạch ao, ruộng và cá tạp trước khi thả nuôi thì bà con cần lưu ý trong việc chọn con giống tốt, khỏe, ương đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, khi thả cá ra tự nhiên phải phù hợp với thời tiết, hạn chế cho ăn bỏ cữ để tránh cá lớn không đồng đều, dẫn đến tỷ lệ sống thấp. Để hạn chế rủi ro và tránh thất thoát trong quá trình nuôi, người dân nên đắp bờ bao thông thoáng, với bề ngang 2m, bề cao thì cao hơn mặt đỉnh lũ hàng năm khoảng 5 tấc và có thể dùng lưới bao quanh. Riêng những vùng nuôi trũng thấp và bị nhiễm phèn nặng thì bà con nên xử lý vôi bột trước khi thả cá, nhằm hạn chế tình trạng bệnh lý xảy ra, đảm bảo sản lượng tốt nhất sau khi thu hoạch.

Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Long Mỹ Lâm Văn Việt nhận định: Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thay vì vào mùa nước nổi bà con bỏ đất trống thì tận dụng thả cá sẽ giúp người dân có nguồn thu nhập và đảm bảo cho môi trường. Hiện trên địa bàn huyện Long Mỹ có hơn 20 hộ nuôi theo hình thức này, tới đây, huyện tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật và khuyến khích bà con tham gia để nhân rộng và phát triển mô hình.

Bài, ảnh: Chí Công Báo Hậu Giang, 02/03/2016