Hậu Giang: Qua thời cá rô đầu vuông
Con cá rô đầu vuông có một thời giúp không ít hộ dân trên địa bàn tỉnh có của ăn của để, nhưng hiện người nuôi gặp phải nhiều khó khăn và cá rô đối mặt với nguy cơ “chấm hết”.
Phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ để vượt qua những con đường quanh co, tìm về ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (nơi khai sinh ra giống cá rô đầu vuông nổi tiếng một thời). Đến đây, chúng tôi có dịp trao đổi với những hộ nuôi thành công và trở nên giàu có từ con cá này. Thoát nghèo nhờ nuôi cá rô, ông Võ Hùng Dũng, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: “Hơn 5 năm trước, khi ở đây lần đầu tiên phát hiện ra giống cá rô đầu vuông và thấy lợi nhuận thì người dân ùn ùn nạo vét hầm nuôi, thậm chí những ruộng lúa gần ngày thu hoạch cũng được lên ao. Điều này, làm cho không khí nuôi cá càng trở nên sôi động và những ngôi nhà tường kiên cố, khang trang lần lượt mọc lên làm thay đổi cả một vùng nông thôn nghèo hẻo lánh”. Trước sự biến đổi bất ngờ đã tạo nên điểm nhấn quan trọng trong nền kinh tế tỉnh nhà và đến tận bây giờ thương hiệu cá rô Hậu Giang được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, không khí nuôi cá của bà con gần đây đã trầm lắng thì nay càng trở nên lụi tàn, hình ảnh về những ao nuôi to, nhỏ bỏ hoang phế, hay san lấp để làm ruộng mỗi lúc một nhiều. Ông Dũng cho biết thêm: “Hiện, người nuôi cá rô ở đây ít ỏi, vì họ đã bỏ nghề rất nhiều. Thời gian tới đây, tôi chuyển sang nuôi cá thát lát vì hiện tại còn nuôi một hầm cá, với diện tích khoảng 2.000m2, gần đến thời điểm xuất bán mà không có thương lái thu mua”. Trên thực tế, để cầm chừng, mỗi ngày ông chỉ cho cá ăn một lần nhằm giảm chi phí đầu tư. Khi hỏi thăm về con cá rô thì ông Dũng hay bất cứ người nuôi nào cũng đều lắc đầu, ngán ngẩm trước giá cá sụt giảm. Chưa kể đến chuyện đầu ra sản phẩm không ổn định và giá thức ăn tăng cao như hiện nay.
Theo ông Tống Bửu Sơn, Phó trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Vị Thủy, vào khoảng năm 2010, diện tích thả nuôi cá rô ở huyện khoảng 50ha thì hiện còn khoảng 5ha. Nguyên nhân bà con ngán ngại nuôi chính là do đầu tư chi phí cao mà xuất bán rơi vào giá cả xuống thấp. Cụ thể, để đầu tư nuôi 1kg cá rô thịt, bà con mất trên 20.000 đồng/kg, nhưng hiện giá cá rô bán ra khoảng 18.000 đồng/kg. Chưa tính đến quá trình nuôi gặp phải tình trạng nước ô nhiễm thì cá sẽ hao hụt do bị bệnh vi khuẩn, nấm nhớt,... Ngoài ra, lúc trước những chỗ chuyên cung cấp thức ăn gối đầu khoảng 50% tiền vốn cho bà con thì bây giờ họ phải chi trả 100% tiền mặt. Vì thế, hộ nuôi vốn ít không đủ khả năng để tái đầu tư nuôi lại. Quan trọng là thị trường đầu ra khó khăn như hiện nay, cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự e dè của người nuôi.
Trên thực tế, không chỉ có người dân ở huyện Vị Thủy mà những hộ nuôi ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp cũng đang đối mặt nhiều khó khăn từ việc nuôi cá rô đầu vuông. Bà Hồ Thị Liễu, ở ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi nghe ở xã Vĩnh Thuận Tây nuôi cá rô đầu vuông lời nhiều nên con tôi mới tìm đến tận nơi mua cá về ép giống thả nuôi. Mấy vụ đầu còn lời chút đỉnh, càng về sau càng thấy thâm vốn. Nếu buông bỏ thì tiếc mà nuôi là lỗ, nhưng xong vụ này tôi chẳng biết nên tiếp tục hay không nữa”. Theo bà Liễu, đầu ra cá rô hiện rất khó khăn, thời gian trong tết thị trường cá sôi động, còn bây giờ thương lái không chịu vào mua, gia đình bà phải tiếp tục đầu tư cho cá để đợi ngày xuất bán.
Theo nhiều hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh, hiện diện tích nuôi cá giảm nhiều, nhưng mỗi lần cá tới lứa bán thì điện thoại kêu thương lái cả tháng mới vào mua. Chính vì thế, nếu kéo dài quá trình nuôi thì bà con ước tính thả nuôi cá khoảng 1.000m2, cho ăn một cữ/ngày thì mất thêm khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Thị Thùy Lam nhận định: Hiện tại, cá rô đầu vuông đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, giá cả xuống thấp nên bà con lỗ vốn nhiều, vì thế họ đã treo ao, tìm giải pháp an toàn. Ngoài ra, con cá rô đầu vuông so với một số loài thủy sản khác thì thị trường đầu ra không được mở rộng mà chỉ tiêu thụ trong nước, trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi không hề nhỏ. Để tránh nhiều rủi ro, trước mắt người dân có thể chuyển đổi sang nuôi một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao khác như: thát lát, lươn, tôm càng xanh,… nhằm cải thiện lại kinh tế gia đình và chờ thời cơ để vực dậy.