Hậu Giang: Thăng trầm cá rô đầu vuông - Chạy theo phong trào
Năm 2008, cá rô đầu vuông xuất hiện lần đầu tiên ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy khiến không ít người dân phấn khởi vì lợi nhuận “khủng” mà loại thủy sản này mang lại. Một thời, cá rô đầu vuông đã trở thành loài cá được ưa chuộng của vùng đất Hậu Giang.
Vua cá một thời
Con cá rô đầu vuông đến với nông dân Hậu Giang như “cái duyên” được định sẵn. Người có công tìm ra loài cá này là ông Hai Khải (Nguyễn Văn Khải), ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây. Ông Hai Khải nhớ rõ như in, vào năm 2008, khi thu hoạch cá rô đồng do gia đình thả nuôi thì tình cờ phát hiện vài chục con cá rô lạ, lớn hơn cá rô bình thường từ 3-4 lần, đầu thì hơi vuông. Nhận thấy đây là loại cá lạ, có khả năng tạo nên “chuyện lớn” nên ông quyết định đem nhân giống và nuôi thử nghiệm. Vụ nuôi đầu tiên trên diện tích khoảng 1.500m2, cá lớn rất nhanh, chỉ mới hơn 3 tháng đã đạt trọng lượng 10 con/kg, gia đình ông Hai Khải thu về 13 tấn cá và “bỏ túi” khoản lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Đến vụ sau, diện tích thả nuôi của gia đình đã tăng lên gấp đôi. Và thành quả cho sự mạnh dạn đầu tư đó là khoản lợi nhuận “kếch xù” lên đến cả tỉ đồng. Cũng kể từ đó, ông Hai Khải có thêm một bí danh mới rất oai là “vua cá rô đầu vuông”.
Không chỉ có ông Hai Khải, ở xã Vĩnh Thuận Tây lúc đó bắt đầu nổi lên không ít “vua cá rô đầu vuông” khác như ông Ba Quốc (Trương Phú Quốc, ở ấp 3) và ông Nguyễn Hùng Anh, ở ấp 5. Ông Ba Quốc cho biết: “Hay tin loài cá lạ, kích cỡ lớn nên nhiều người từ trong và ngoài tỉnh đổ xô về tìm hiểu và có ý định mua giống về nuôi. Nhận thấy cơ hội đổi đời đã đến, gia đình tôi quyết định nhân giống loại cá này để cung cấp cho thị trường với giá rất cao. Thậm chí, có thời điểm mỗi con cá bố mẹ để làm giống có giá bán 2 triệu đồng nhưng khách hàng vẫn đến mua như “tôm tươi”. Bên cạnh đó, gia đình còn thả nuôi trên diện tích gần 5.000m2 mặt nước, năng suất đạt hơn 40 tấn/năm. Theo ước tính, tổng thu nhập từ việc xuất bán cá giống và cá thịt ở những vụ đầu của gia đình lên tới vài tỉ đồng, một số tiền mà trước đây “nằm mơ” cũng không thấy”.
Giống như ông Hai Khải và ông Ba Quốc, ông Nguyễn Hùng Anh, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây cũng vươn lên làm giàu nhờ con “cá vàng” này. Vụ nuôi đầu tiên rất thuận lợi, cá lớn nhanh và bán với giá cao. Nhờ bán cá thịt và cá giống mà gia đình ông cũng thu về bạc tỉ.
Phong trào lan rộng
Theo các ông vua cá, sở dĩ cá rô đầu vuông cho lợi nhuận “kếch xù” khi mới xuất hiện là do giá bán trên thị trường vào thời điểm đó rất cao. Vào những năm 2008, 2009, trung bình mỗi kilôgam cá bán ra thị trường với giá 30.000 đồng, thời điểm cao nhất lên tới 36.000 đồng/kg. Với giá này, trừ đi các khoản chi phí thì người nuôi kiếm lời từ 10.000-12.000 đồng/kg. Với lợi nhuận như vậy, chỉ với một vài vụ thôi thì người nuôi cũng có thể “đổi đời” trong phút chốc.
Kể từ đó, phong trào nuôi cá rô đầu vuông không chỉ phát triển như “vũ bão” ở cái nôi đã sản sinh ra con cá này (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy), mà còn lan rộng ra toàn tỉnh, thậm chí cả một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ. Từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, được cho là thời điểm vàng son nhất của cá rô đầu vuông, diện tích thả nuôi lúc đó trong tỉnh lên tới 393ha. Nhiều hộ đã không ngần ngại chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi cá, thậm chí có hộ khi bông lúa đã cong trái me vẫn sẵn sàng bỏ lúa để đào ao nuôi cá rô đầu vuông. Điển hình là ông Nguyễn Văn Nhờ, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ. Ông Nhờ cho biết: “Thời điểm đó giá cá tăng cao, chỉ với 1.000m2 mặt nước thì người nuôi có thể thu về được cả trăm triệu đồng, trong khi với 1.000m2 đất ruộng, người trồng lúa lao động vất vả cả năm chỉ lời được vài triệu đồng. Sức hấp dẫn từ cá rô đầu vuông mang lại quá lớn, dù lúa đang trổ bông tôi cũng cuốc bỏ để đào ao nuôi cá”.
Không riêng gì ông Nhờ, ông Hồ Hải Hồng, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ cũng choáng ngợp với lợi nhuận của loại thủy sản này nên mạnh dạn đầu tư. Ông Hồng cho biết: “Khi nghe thông tin có loài cá lạ, mau lớn, bán được giá cao, cho lợi nhuận “khủng” thì gia đình tôi liền tìm mua con giống về nuôi. Năm 2009, tôi bắt đầu thay thế ao cá rô đồng của gia đình bằng cá rô đầu vuông. Sau 5 tháng thả nuôi, lứa cá đầu tiên gia đình thu được gần 100 triệu đồng”. Với số tiền lời mà cá rô đầu vuông mang lại, ai nấy đều vui mừng, vì thế mà diện tích thả nuôi cá rô đầu vuông ồ ạt tăng nhanh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: Phong trào nuôi cá rô đã hình thành khá lâu ở địa phương, nhưng nuôi cá rô đầu vuông thì chỉ mới bắt đầu từ năm 2008 trên diện tích khoảng 10ha với 35 hộ tham gia. Nhận thấy loại cá này mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn thả nuôi. Đến năm 2009, diện tích nuôi cá rô đầu vuông trên địa bàn xã đã lên đến 15ha, tăng thêm khoảng 15 hộ nuôi so với năm 2008. Trước sự phát triển mạnh của phong trào nuôi cá rô đầu vuông, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con không nên chuyển đổi đất lúa sang nuôi cá, đồng thời nên thả nuôi theo mật độ vừa phải và theo mùa vụ, nhưng do sức hấp dẫn từ lợi nhuận cao nên diện tích thả nuôi ở địa phương không ngừng tăng lên.
Từ nơi khởi nguồn ở xã Vĩnh Thuận Tây, dần dần, con cá rô đầu vuông đã xuất hiện sang các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và nhiều tỉnh, thành khác. Với diện tích thả nuôi tăng nhanh, sản lượng cá thành phẩm xuất bán ra thị trường ngày càng nhiều, nên nguy cơ “đụng hàng, dội chợ” con cá rô đầu vuông đã dần hiển hiện. Và đến thời điểm hiện nay, tình trạng này đã đến mức báo động. Từ lợi nhuận cao ở những vụ nuôi đầu tiên, người dân bắt đầu đối mặt với giá cá liên tục giảm, dẫn đến thất bát nặng nề…