Hậu "cơn bão tu hài" - Cái kết khó gỡ
Sáu, bảy năm trước, tu hài được nhắc đến ở Vân Đồn như một loài nhuyễn thể “đi tiên phong” trong xoá đói giảm nghèo, là chiếc “chìa khoá vàng” để người dân vùng bãi triều của huyện đảo vươn lên làm giàu chính đáng. Rồi chỉ bốn, năm năm sau, chính những người “kết” tu hài nhất lại phải điêu đứng vì chúng chết hàng loạt do bị dịch bệnh...
Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...
Từ “lãi lớn” đến... “lỗ to”...
Là một huyện đảo, nuôi trồng thuỷ sản được coi là một nghề rất có tiềm năng phát triển. Đặc biệt, vào thời điểm những năm 2009-2010, ở Vân Đồn rộ lên phong trào đầu tư nuôi trồng các loài nhuyễn thể như hàu, tu hài v.v.. Mà không chỉ người dân, có tới 15 công ty ở các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh, thậm chí là ngoài tỉnh, cũng đầu tư nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn. Nếu như năm 2008, trên địa bàn huyện mới có trên 60 hộ nuôi nhuyễn thể thì đến năm 2011 đã có trên 800 hộ trong tổng số trên 1.000 hộ nuôi trồng thuỷ sản. Có thể kể ra đây những cái tên khá nổi tiếng trong việc đầu tư nuôi tu hài ở Vân Đồn lúc đó như ông Nguyễn Văn Minh (khu 9, thị trấn Cái Rồng), ông Hoàng Văn Cường (Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh) ông Đỗ Hữu Tờ (Công ty TNHH Đỗ Tờ) v.v.. với trên dưới 100ha/hộ.
Chỉ có những cơ sở thu mua phế liệu như của chị Lã Thị Loan đây là “trúng quả”...
Nuôi tu hài ở Vân Đồn có thuận lợi là tận dụng được ưu thế ở địa phương, không mất tiền đầu tư thức ăn, mà lợi nhuận thì cao. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Vân Đồn, nói với chúng tôi: “-Chưa có vật nuôi nào mà người dân lại vào cuộc nhanh như con tu hài. Các chú cứ tính xem “một ăn ba” cơ mà. Ai mà chẳng ham! Cứ mỗi lồng thả xuống đầu tư chỉ khoảng 100.000 đồng, mỗi lần vớt lên, với giá tại thời điểm đó chừng 150.000 một cân, thu hoạch cũng bán được 300.000 đồng tiền tu hài thịt. Đấy là chưa kể đến thời điểm này giá tu hài lên đến 350.000...”.
Vì thế, bà con ở Vân Đồn chẳng ai bảo ai tìm mọi cách huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong huyện, ngoài huyện, ngoài tỉnh và thậm chí cả từ Việt kiều ở nước ngoài. Một viễn cảnh tươi đẹp về những vùng nuôi nhuyễn thể tập trung, nuôi sinh thái tại các khu du lịch như: Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Bản Sen, Hạ Long v.v.. đã được vẽ ra với rất nhiều sự lạc quan. Nhưng viễn cảnh đó đã sụp đổ sau cơn bão số 5 càn quét vào Vân Đồn năm 2011 và tiếp đó là “cơn bão dịch bệnh” vào tháng 6-2012 như một “cú đánh bồi” khiến người nuôi tu hài trắng tay, gục ngã hoàn toàn.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, tính đến 30-6-2012, số lượng con giống bị mất đã lên đến trên 150 triệu con, thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Có hộ kinh doanh đầu tư lớn tới gần 20 tỷ đồng trong suốt 5 năm, sau “cơn bão” đã mất sạch; nhiều hộ bị đẩy vào nguy cơ vỡ nợ, phá sản và nguy cơ tái nghèo lại quay về rình rập từng nhà, đặc biệt là người dân ở các xã đảo.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, ở khu 9, thị trấn Cái Rồng, cho biết: “-Tôi nuôi tu hài từ năm 1997, nhưng chỉ nhỏ lẻ. Năm 2012, tôi đầu tư lớn, mua 8 triệu con giống để thả và bị mất trắng, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Giờ hết vốn đành quay sang nuôi cá để gỡ gạc...”. Anh Tuấn còn nói thêm: “Ấy là vẫn còn may chán chứ có người gia sản chẳng còn gì để cầm cố mà vay vốn ngân hàng nữa!”. Cũng như vậy, ông Lưu Văn Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Vân Tiến, bắt đầu nuôi tu hài từ năm 2003, chủ yếu là nuôi bãi. Thấy làm ăn được, ông kéo cả anh em họ hàng ra cùng làm ăn. Sau này, ông phát triển nuôi lên đến 25ha. Năm 2011, ông bổ sung thêm hình thức nuôi lồng, với 70.000 lồng. Năm 2012, ông nuôi hơn 4 triệu con. Ông Tốt kể: “-Huyện còn cấp cho tôi 23ha, thả giống xuống mà như vãi tiền xuống biển... Giờ tu hài chết hết. Còn mấy chục nghìn lồng dưới biển chán chưa lấy lên. Vớt lên nếu may ra mỗi lồng còn được dăm con. Thiệt hại lên đến khoảng 20 tỷ đồng...”.
“Cơn bão tu hài” giống như hiệu ứng đôminô, nó kéo theo cả những nhà cung ứng giống và những người làm nghề dịch vụ cùng sụp đổ theo. Bà Hoàng Thị Quyến, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Thiên Lộc, đơn vị sản xuất giống, nói: “-Dân nuôi tu hài điêu đứng lỗ không có tiền trả Công ty, do vậy Công ty điêu đứng vì nợ ngân hàng. Cái vòng luẩn quẩn ấy đeo bám khiến chúng tôi không ngóc đầu lên được!”. Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, ông Nguyễn Quang Ninh cũng thừa nhận: “-Nghèo theo dây chuyền, “chết” theo cả dòng họ anh em. Được mùa anh em giàu lên, hô hào nhau cùng làm, đến khi mất mùa, dịch bệnh là phá sản cả... dòng họ. Tính ra, “cơn bão tu hài” năm 2012 đã làm mất đi của các hộ dân Vân Đồn khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Có chăng, chỉ có những người kinh doanh phế liệu là “được mùa”. Chị Lã Thị Loan, chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, cho biết: “-Chúng tôi mua được khá nhiều phế liệu từ những chiếc lồng nuôi tu hài mà người ta thải ra, chỉ khoảng 5.000-7.000 đồng/cái thôi!”. (Trong khi đó, một chiếc lồng như thế thời điểm mua mới để thả tu hài lên đến 47.000 đồng).
Nhìn “núi” lồng phế thải đến mấy chục tấn còn chất ở đây, chúng tôi hỏi chị Lã Thị Loan, đó có phải là tất cả không, chị Loan cho biết số lồng phế thải đã bán đi nhiều hơn “rất rất nhiều lần...”! Vậy mà ở Vân Đồn, cơ sở thu mua phế thải cỡ như của chị Loan có khoảng 3, 4 điểm, chưa kể số bà con thu mua lẻ... Nói vậy để thấy thiệt hại của người nuôi tu hài lớn đến thế nào!
Lùng nhùng việc “cứu trợ sau bão”...
Khi dịch bệnh tu hài xảy ra trên diện rộng, ngày 22-5-2012, Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn đã có công văn hướng dẫn trình tự thủ tục hồ sơ hỗ trợ thiệt hại và thống kê rà soát tổng hợp thiệt hại. UBND tỉnh đã có Quyết định 2322/QQĐ-UBND ngày 14-9-2012 quy định hỗ trợ giống tu hài nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2012. Liên Sở Tài chính - Sở NN&PTNT cũng đã có hướng dẫn về trình tự thủ tục hồ sơ hỗ trợ giống tu hài nuôi bị thiệt hại...
Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa tiến triển là bao do các xã tổng hợp thống kê không kịp thời, bởi hồ sơ rất khó hoàn tất đầy đủ theo quy định. Để tháo gỡ vấn đề này, Phòng NN&PTNT huyện đã lập Hội đồng xét duyệt cấp huyện và đôn đốc các hội đồng thẩm định của các xã rà soát xem xét từng trường hợp. Và đến đây, hàng loạt bất hợp lý lại phát sinh. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết, có đến 912 bộ hồ sơ chứng từ của các hộ nuôi tu hài không đảm bảo đúng quy định của Bộ Tài chính. Nguyên nhân là do từ trước đến nay, người nuôi tu hài vẫn quen với việc mua bán giống trôi nổi qua nhiều khâu dịch vụ. Điều đó kéo theo hệ lụy là khi viết biên nhận, hoá đơn bán lẻ thì những giấy tờ này không đủ tính pháp lý. Trên thực tế, những cơ sở viết biên nhận, hoá đơn bán lẻ mấy khi có đăng ký kinh doanh sản xuất, nuôi trồng và dịch vụ thuỷ sản. Thêm nữa, một bộ phận không nhỏ hộ dân kê khai số lượng lồng nuôi, giống nuôi không có cơ sở xác định tính chính xác. Việc nuôi tu hài diễn ra trên biển, lồng nuôi, bãi nuôi được đặt ở nơi ngập nước, ít khi cạn tới, do đó có đến nơi kiểm tra cũng khó có thể xác định được số lượng. Nhiều địa điểm nuôi còn nằm ở các xã tuyến đảo. Có hộ nuôi bị thiệt hại đến thời điểm này đã bán thanh lý, chuyển nhượng hoặc kéo lên bờ v.v..
Một khó khăn khác trong việc thống kê là số hộ nuôi ghép, gửi nuôi, nuôi chung lại kê khai chồng chéo nhau. Thậm chí, có hộ đã kê khai 2 lần, một theo tư cách cá nhân, một theo đơn vị công ty. Nhiều hộ nuôi ít nhưng lại kê khai vượt quá khả năng đầu tư kinh tế của mình để trục lợi. Có người còn “phù phép, biến hoá”, miễn là đầy đủ hoá đơn chứng từ. Ngược lại, có những hộ điêu đứng thật sự thì lại khó khăn trong vấn đề hoàn tất hồ sơ. Theo thông báo gửi các xã, thị trấn ngày 24-5-2013 của Phòng NN&PTNT huyện, có tới 348 bộ hồ sơ không hợp lệ và Phòng vẫn đang tiếp tục rà soát. Sự thiếu tin tưởng ở tính chính xác của hồ sơ còn đẩy đến mức Phòng NN&PTNT huyện phải đề xuất, sau khi có quyết định phê duyệt hỗ trợ thì chỉ giải ngân tạm ứng 50% kinh phí, còn lại 50% sau một thời gian ít nhất 3 tháng để tiếp tục xác minh, phản hồi rồi mới tiếp tục giải ngân số còn lại.
Nhưng dù là 50% thì cũng chưa thấy đâu. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Nuôi trồng tu hài Vân Đồn, tỏ ra chán nản: “-Thiệt hại quá lớn, vốn thì vay ngân hàng. Thôi thì mình làm lãi mình ăn, lỗ mình chịu. Cũng chẳng dám kêu ai, nhưng tỉnh đã có chính sách hỗ trợ rồi thì chúng tôi cũng mừng. Khổ nỗi muốn được hỗ trợ phải có đủ loại giấy tờ, mà có được những thứ giấy ấy đâu phải dễ. Cái khó là mấy năm rồi, người ta quyết toán rồi, giờ không thể xin lại...”. Khó khăn đó xuất phát từ thói quen mua bán của người dân, một phần cũng do sự thiếu định hướng của chính quyền cơ sở. “-Chúng tôi vẫn mua bán như vậy nào ai có biết đâu dịch bệnh xảy ra để lấy hoá đơn đỏ!” - Ông Thìn giải thích.
Theo quy định của UBND tỉnh, nếu hoá đơn hợp lệ thì được hỗ trợ 200 đồng một con giống, còn nếu không có hoá đơn đỏ mà có biên nhận của bên bán, hoá đơn bán lẻ thì được hỗ trợ 100 đồng. Sự việc tưởng như được tháo gỡ, nhưng hoá ra vẫn cứ lùng nhùng. “Có được hoá đơn bán lẻ rồi chưa đủ, cần thêm cả giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh giống tu hài của bên bán nữa, sau đó, lại có một hội đồng để điều tra, xác minh... Mà những cơ sở bán giống tu hài có ở gần đâu, mãi tận miền Trung, miền Nam cơ!” - Ông Thìn bức xúc.
Ông Thìn cũng thẳng thắn nhìn nhận: “-Đúng là dân có người khai sai thật nhưng không thể vì vài người như thế mà những người làm ăn trung thực phải chịu liên đới. Nghi ngờ ai thì để lại, xác minh tiếp chứ sao lại đánh đồng không giải quyết cho ai cả?” - Ông Thìn nói. Theo ông Thìn, chủ trương của tỉnh là kịp thời nhưng do sự lùng nhùng ở cấp cơ sở nên nó thành phức tạp v.v..
Hỏi ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, ông Ninh cho rằng: Chuyện giải quyết hỗ trợ thiệt hại tu hài theo hoá đơn chứng từ rất khó, nên chăng cứ hỗ trợ theo hộ gia đình tính theo mức bình quân, giả sử là 10 triệu đồng/hộ chẳng hạn. Như thế sẽ chẳng có chuyện khiếu kiện, gian dối trong kê khai.
Tuy nhiên, hỗ trợ theo kiểu “cào bằng” như vậy chắc gì đã êm chuyện, bởi những người đầu tư lớn hơn các hộ khác nên thiệt hại cũng lớn hơn chắc chắn sẽ lại kêu ca... Nói tóm lại, cho đến tận bây giờ, gần 2 năm “sau bão”, việc “cứu trợ” vẫn cứ lùng nhùng!