Hé lộ mức thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam
Đến thời điểm hiện nay, đã hé lộ một vài dự đoán về mức thuế chống trợ cấp đối với tôm từ 7 nước là Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam... Theo đó, mức thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ có khả năng ở mức 1 chữ số
Từ nhiều nguồn tin khác nhau có thể thấy, Thái Lan, nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang thị trường Mỹ, có khả năng sẽ bị áp thuế chống trợ cấp 2%, mức thuế hầu như không có bất kỳ tác động nào trên thị trường.
Ấn Độ có thể sẽ phải chịu mức thuế sơ bộ 7%. Đây là mức thuế suất có thể khiến việc đấu tranh đòi giảm thuế chống bán phá giá xuống dưới 10% của nước này rơi vào tình huống khó xử.
Một số công ty ở hai quốc gia này có thể sẽ chịu mức thuế riêng rẽ thấp hơn.
Trung Quốc và Malaysia có khả năng sẽ phải chịu mức thuế sơ bộ cao. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng đối với thị trường Mỹ.
Thực tế, về lâu dài, tác động lớn nhất của thuế chống trợ cấp không phải là việc ép buộc các nước, các công ty xuất khẩu sang Mỹ phải trả thuế cao hơn, mà ngược lại, nó có thể làm mất dần vai trò hàng đầu của thị trường Mỹ trên trường quốc tế. Do đó Trung Quốc, Trung Đông và thậm chí châu Âu sẽ trở thành những thị trường hấp dẫn hơn và chiếm thị phần lớn hơn trong tổng sản lượng toàn cầu.
Mức tiêu thụ bình quân trên đầu người của Mỹ cao nhất ở mức 4,2 pound/người (1 pound = 0,453 kg) vào năm 2011, sau đó giảm vào năm 2012 và có thể sẽ giảm mạnh xuống dưới 4 pound/người vào năm 2013.
Trong trường hợp này, nhiều ý kiến cho rằng, các luật sư đại diện cho các nhà chế biến tôm Mỹ cũng khó có thể đàm phán để ký kết thỏa thuận riêng rẽ với các nước bị áp thuế chống trợ cấp cao, bởi lẽ các nạn nhân mong đợi của Mỹ không thiếu cơ hội xuất khẩu sang các thị trường ít rào cản hơn.
Ecuador có thể phải đối mặt áp mức thuế chống trợ cấp ở mức tối thiểu (không vượt quá 2%). Mức thuế chống trợ cấp đối với Indonesia và Việt Nam cũng có khả năng ở mức 1 chữ số.