Hiện trạng nuôi biển, những thành tựu, khó khăn và thách thức
Vùng biển nước ta có diện tích hơn 1 triệu km2, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững hết sức cấp thiết.
Những năm gần đây, nghề nuôi biển có bước phát triển khá mạnh mẽ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nuôi biển ở nước ta chủ yếu ở vùng ven biển gần bờ, nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất không cao, nhiều rủi ro.
Trong giai đoạn 2010-2023, nuôi biển Việt Nam đã đạt được những thành tựu và bước tiến đáng kể. Sản lượng nuôi biển tăng đều qua các năm, từ 569.670 tấn năm 2023 dự kiến sẽ tăng lên 1,45 triệu tấn vào năm 2030. Giá trị xuất khẩu nuôi biển cũng có xu hướng tăng, từ 552 triệu USD năm 2023 lên từ 1,8 đến 2,0 tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2023, các cơ sở sản xuất giống đã sản xuất được 135 tỷ con giống, bao gồm 134 tỷ con nhuyễn thể, 258 triệu con cá biển và 39 triệu con cua biển. Cùng với đó, đã có 23 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp nuôi biển với 213 mã số thức ăn được cấp mã số và đăng ký trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thủy sản. Sản lượng thức ăn nuôi biển năm 2023 đạt 35.000 tấn, mặc dù công suất thiết kế là 810.000 tấn/năm.
Các kết quả nghiên cứu cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong việc hoàn thiện công nghệ sản xuất giống các loài cá biển như cá song, chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ, giò, và sủ đất. Ngoài ra, nghiên cứu về thức ăn công nghiệp cho các loài cá và tôm cũng đang tiến triển, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ thiên nhiên và tăng cường hiệu quả nuôi trồng.
Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều bất cập trong các quy định pháp lý liên quan đến nuôi biển cụ thể như: Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được ban hành, dẫn đến diện tích cho nuôi biển bị thu hẹp. Quy hoạch tại một số địa phương chưa hoặc thiếu không gian biển dành cho nuôi trồng thủy sản. Thủ tục cấp phép và giao khu vực biển còn phức tạp, với nhiều bước trùng lặp và hồ sơ rườm rà. Mức thu tiền sử dụng khu vực biển cũng được cho là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Đánh giá tác động môi trường cũng gặp nhiều vướng mắc khi không phân biệt rõ quy mô và đối tượng nuôi, yêu cầu thực hiện báo cáo cho từng cá thể của hợp tác xã. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng về các đối tượng nuôi có lợi cho môi trường và các dự án nuôi biển kết hợp du lịch, năng lượng tái tạo cũng chưa được quản lý chặt chẽ.
Vì vậy để phát triển bền vững, các cơ quan chuyên môn nhấn mạnh cần tập trung vào việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống, chế biến đến tiêu thụ; cải thiện công nghệ sản xuất giống và nghiên cứu các mô hình nuôi biển thông minh, ít tác động đến môi trường.
Các tỉnh ven biển cần bổ sung và tích hợp không gian nuôi biển vào quy hoạch của tỉnh, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, và thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định. Bên cạnh đó cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế chính sách, sự cải tiến trong công nghệ và sự đồng lòng từ các bên liên quan.