TIN THỦY SẢN

Hiểu chưa đúng văn bản luật, dân săn bạch tuộc lãnh đủ

Ngư dân Cần Giờ vất vả bắt bạch tuộc mưu sinh. Họ mất trắng chuyến hàng bạc tỉ tại Hải Dương - Ảnh: THUẬN THẮNG ĐỨC BÌNH - C.MAI

Bộ Công an vừa có yêu cầu giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết vụ kiện đòi bắt đền 2 tấn bạch tuộc của người dân Cần Giờ (TP.HCM), đồng thời giao thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng sai.

Về vụ việc này, phía cơ quan Công an Hải Dương viện dẫn theo thông tư 32/2012/TT-BNNPTNT (gọi tắt là thông tư 32) của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch để cho rằng bạch tuộc là mặt hàng phải có giấy kiểm dịch.

Do không có giấy kiểm dịch nên cảnh sát môi trường Hải Dương đã tạm giữ số hàng, dẫn đến việc bạch tuộc bị hư hỏng phải tiêu hủy.

Tuy nhiên, ngày 5-6, trả lời trên báo Tuổi Trẻ về vụ 2 tấn bạch tuộc của người dân Cần Giờ (TP.HCM) bị cảnh sát môi trường Hải Dương bắt giữ, ông Đỗ Huy Long - phó trưởng phòng thanh tra pháp chế của Cục Thú y - khẳng định: theo khoản 3 điều 29 nghị định số 33/2005/NĐ-CP (nghị định 33) và điều 3 thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT (thông tư 06) của Bộ NN&PTNT thì hàng thủy sản thương phẩm vận chuyển, tiêu thụ trong nước (cụ thể ở đây là bạch tuộc) không cần giấy kiểm dịch nếu nơi xuất xứ nguồn gốc số hàng này không phải trong thời gian bị dịch bệnh trên bạch tuộc.

Vậy, liệu thông tư 32 và thông tư 06 có khác biệt nhau, vận dụng thông tư nào thì đúng?

Hai thông tư không mâu thuẫn nhau

Ý kiến của Công an Hải Dương được PV Tuổi Trẻ trao đổi lại với ông Đỗ Huy Long và ông Long nhấn mạnh: hai văn bản này không hề mâu thuẫn nhau.

“Chúng tôi chưa nhận được yêu cầu hay hồ sơ vụ việc này từ phía địa phương. Nhưng với những thông tin báo chí cung cấp, dẫn chiếu theo những quy định hiện hành thì hàng thủy sản vận chuyển, tiêu thụ trong nước sẽ căn cứ theo nghị định 33 và thông tư 06, tức không cần giấy kiểm dịch. Thông tư 06 chỉ quy định đối tượng là động vật, thủy sản tiêu thụ nội địa. Nếu không phải là con giống hay hàng từ nơi đang có dịch thì các đối tượng này đâu cần kiểm dịch. Chẳng hạn như hàng thủy sản vẫn hằng ngày từ Thanh Hóa, từ miền Trung đưa ra chợ hải sản ở Hà Nội tiêu thụ thì có bao giờ cần giấy kiểm dịch?” - ông Long nói.

Ông Long giải thích tiếp: “Với thông tư 32, tuy ra sau nhưng không phải để thay thế thông tư 06 mà là bổ sung, hỗ trợ thêm cho thông tư 06. Ví như quy định 18 tuổi phải nhập ngũ, trừ một số trường hợp khác, rồi sau đó phải có thêm thông tư hướng dẫn “trường hợp khác” là như thế nào, chẳng hạn là đang bận đi học... Vậy chúng ta cũng phải hiểu hai thông tư 06 và 32 là như vậy. Thông tư 32 ra sau là để cụ thể hơn, bổ sung thêm cho thông tư 06. Đối với hàng tiêu thụ nội địa thì căn cứ theo thông tư 06, còn nếu là hàng xuất-nhập khẩu, tạm nhập tái xuất thì ngoài thông tư 06 phải căn cứ thêm ở thông tư 32”.

Trả lời câu hỏi có hay không việc cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường Hải Dương làm sai quy trình kiểm dịch, ông Long cho biết: “Đối với cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, họ có quyền nghi ngờ đây là hàng nhập lậu và có quyền giữ xe lại để xem xét tùy theo quy định. Nếu là thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra từ vùng dịch thì họ yêu cầu phải có giấy kiểm dịch. Còn nếu không thuộc hai đối tượng này, lực lượng công an có thể giải phóng cho hàng đi. Hiện chúng tôi chưa thể trả lời ai đúng ai sai, nhưng được biết Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, đúng - sai sẽ rõ ràng trong thời gian tới”.

Cần đối chiếu cùng lúc hai thông tư

Cũng bàn luận về vận dụng văn bản pháp luật trong vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc, luật sư Đặng Ngọc Châu (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu rõ nguyên tắc kiểm dịch được quy định tại điều 23 pháp lệnh thú y.

Căn cứ vào pháp lệnh này và các văn bản hướng dẫn có thể hiểu: muốn xác định một sản phẩm thủy sản có thuộc diện kiểm dịch hay không thì cần áp dụng thông tư 06 để biết những trường hợp nào cần kiểm dịch sản phẩm thủy sản, đồng thời áp dụng thông tư 32 để xác định sản phẩm thủy sản nào mới thuộc danh mục cần kiểm dịch.

Hai thông tư 06 và 32 không có gì mâu thuẫn, chỏi nhau mà là hai quy định bổ sung cho nhau, cho nên xem xét sản phẩm thủy sản nào cần có kiểm dịch phải đối chiếu cùng lúc quy định của hai thông tư này.

Theo điều 3 thông tư 06, sản phẩm thủy sản chỉ phải kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát nếu sản phẩm đưa ra khỏi vùng mà cơ quan có thẩm quyền công bố dịch đối với loài đó.

Như vậy, bạch tuộc tươi sống tuy có tên trong danh mục thủy sản cần kiểm dịch theo thông tư 32 nhưng phải xuất phát từ địa phương nơi công bố dịch thì việc vận chuyển bạch tuộc mới cần phải có giấy kiểm dịch. Thông tin được biết lô bạch tuộc xuất phát từ huyện Cần Giờ (TP.HCM), nơi không bị công bố dịch đối với loại thủy sản là bạch tuộc, nên việc cảnh sát môi trường yêu cầu các chủ hàng phải có giấy kiểm dịch là không có cơ sở.

Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nói Công an tỉnh Hải Dương viện dẫn thông tư 32 để cho rằng lô hàng bạch tuộc thuộc diện hàng hóa phải có giấy kiểm dịch khi vận chuyển, tiêu thụ là không đúng. Theo thông tư 32, đúng là bạch tuộc có tên trong danh mục các loại thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch.

Nhưng việc có tên trong danh mục hàng hóa thuộc kiểm dịch không có nghĩa lúc nào mặt hàng này cũng phải kiểm dịch. Theo quy định tại thông tư 06 thì sản phẩm thủy sản như bạch tuộc chỉ phải kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát nếu sản phẩm đưa ra khỏi vùng mà cơ quan có thẩm quyền công bố dịch đối với loài đó. Trong thực tế TP.HCM không công bố dịch, nên lô hàng 2 tấn bạch tuộc không thuộc trường hợp phải có giấy kiểm dịch khi vận chuyển sang vùng khác.

Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương

Trong trường hợp các chủ hàng gửi đơn khiếu nại đến Công an tỉnh Hải Dương để khiếu nại về việc bắt giữ 2 tấn bạch tuộc của cảnh sát môi trường tỉnh này nhưng bị bác, các chủ hàng có thể nộp đơn khởi kiện vụ án đến TAND tỉnh Hải Dương đề nghị tòa xem xét. Các chủ hàng cần chuẩn bị, thu thập các chứng cứ để chứng minh thiệt hại của mình, đề nghị tòa buộc cơ quan công an phải bồi thường bao gồm: hóa đơn chứng từ chứng minh trị giá lô hàng bị hư hỏng, các chi phí về việc đi lại của các chủ hàng, có khi là cả chứng từ chứng minh lợi nhuận (nếu có) từ việc bán lô hàng có thể thu lại...

C.MAI ghi

ĐỨC BÌNH - C.MAI Báo Tuổi Trẻ