Hiệu quả bước đầu từ việc đánh bắt thủy sản bằng lồng bẫy cải tiến
Nhằm giúp bà con ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tháng 8 – 2010, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Trường Đại học Nha Trang triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cải tiến lồng bẫy truyền thống tại Ninh Thuận để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản”.
Qua hơn 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chế tạo ra 4 kiểu lồng đánh bắt hải sản phù hợp với đặc điểm ngư trường địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao trong khai thác thủy sản.Để thực hiện đề tài, Sở KH&CN và Trường Đại học Nha Trang đã chọn 6 địa phương ven biển là: Phước Diêm, Phước Dinh, Cà Ná (Thuận Nam); Đông Hải (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm); Khánh Hải và Thanh Hải (Ninh Hải) để tiến hành điều tra, khảo sát ngư trường, hiện trạng khai thác lồng bẫy bằng tre truyền thống để chế tạo ra loại lồng bẫy phù hợp. Trung bình mỗi địa điểm được chọn, đơn vị thực hiện dự án đã tiến hành thực hiện 15 ngày khảo sát. Dựa trên kết quả mẫu khảo sát, đơn vị thực hiện dự án đã chế tạo ra 600 chiếc lồng bẫy cải tiến theo các mẫu: Hình trụ tròn, hình hộp chữ nhật, hình bán nguyệt và hình vỹ để đưa vào đánh bắt thử nghiệm. Vật liệu để làm các loại lồng bẫy cải tiến đều sử dụng bằng sắt, kẽm, lưới PE, thiết kế gọn gàng, thao tác đơn giản, bảo đảm được độ bền, độ nặng cần thiết, tính ổn định cao trong quá trình thả lồng dưới nước và dễ bảo quản. Đặc biệt, giá thành của các loại lồng bẫy cải tiến này cũng khá thấp, lại phù hợp với điều kiện ngư trường, điều kiện đánh bắt của bà con địa phương.
Tiến sĩ Trần Đức Phú, Trưởng khoa Khai thác Thủy sản Trường Đại học Nha Trang, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Việc sử dụng các loại lồng bẫy truyền thống bằng tre trước đây kích thước quá lớn, cồng kềnh không giúp bà con ngư dân khai thác tốt nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, với loại lồng dây do Trung Quốc sản xuất như hiện nay khai thác quá mức, không có sự chọn lọc, có thể tận diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, khi chúng tôi cải tiến, chế tạo ra các loại lồng bẫy mới này bà con địa phương rất đồng tình ủng hộ. Năng suất khai thác cũng vượt trội, đặc biệt ghẹ chiếm trên 78% tổng sản lượng khai thác. Ngoài ra, lồng cải tiến còn đánh bắt được thêm một số loại cá có kinh tế cao như: cá mú, cá hồng…”
Không chỉ có ưu thế về việc khai thác được các loại ghẹ, cá với kích thước lớn, cho giá trị kinh tế cao hơn so với kiểu lồng bẫy truyền thống, các kiểu lồng cải tiến còn sử dụng các loại lưới có độ hở phù hợp còn giúp việc khai thác có chọn lọc, loại bỏ các loại cá nhỏ, không gây hại đến nguồn lợi thủy sản và việc đặt bẫy cũng rất dễ dàng. Ông Diệp Nghĩa Hùng, ngư dân ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) được hỗ trợ 200 chiếc lồng bẫy để khai thác thử nghiệm cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ dùng lồng bẫy hình trụ tròn và hình chữ nhật bằng tre, khi thả xuống nước phải mất thời gian khá lâu lồng mới chìm. Đặc biệt, mỗi lần có gió, lồng bẫy bị cuốn, chao đảo, cá, ghẹ sợ không dám vào, vừa lại mất thời gian, còn với lồng cải tiến này, chỉ cần vài phút là có thể đặt được bẫy, sau khi khai thác có thể xếp gọn gàng, dễ bảo quản\".
Qua kết quả đánh bắt thử nghiệm từ 600 chiếc lồng cải tiến tại ngư trường Đông Hải, Thanh Hải và Phước Diêm cho thấy, sản lượng khai thác các loại hải sản như: Ghẹ xanh, ghẹ 3 chấm, ghẹ thập ác, mực, cá sòng, cá mú, cá chình,… bước đầu cho kết quả khá cao. Sản lượng đánh bắt bằng các loại lồng bẫy cải tiến tăng 2,5 lần so với loại lồng bẫy truyền thống. Ông Võ Hòa, ngư dân có nhiều năm trong nghề đánh bắt bằng lồng bẫy ở phường Đông Hải, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm cho biết: “Trước đây sử dụng lồng tre, cao tay chỉ bắt được 3 kg ghẹ/ngày, còn giờ thì có thể bẫy đến 5 kg/ngày, nhờ đó đời sống của gia đình cũng được cải thiện”.
Từ kết quả mang lại của đề tài, bà con ngư dân các làng biển trong tỉnh mong muốn Sở KH&CN cần sản xuất, nhân rộng các loại lồng bẫy cải tiến trên để bà con thay thế các loại lồng bẫy truyền thống, giúp bà con ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và đặc biệt hạn chế tối đa việc sử dụng lồng dây của Trung Quốc khai thác, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.