Hiệu quả của một đề án
Qua 4 năm thực hiện Đề án Nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2009-2012, năng suất, hiệu quả, chất lượng trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản của huyện Ngọc Hiển được nâng lên rõ rệt.
Là huyện có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính sinh học đa dạng cao, nguồn giống thuỷ sản tự nhiên phong phú nên Ngọc Hiển là huyện có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn lớn nhất của tỉnh, với 24.221 ha.
Trước đây, người nuôi tôm trên địa bàn huyện chủ yếu sản xuất theo hướng độc canh, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật rất hạn chế. Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản ra đời đã mở hướng đi mới cho người dân nơi đây.
Năng suất nuôi trồng thuỷ sản bình quân tăng khá cao, đạt khoảng 960 kg/ha/năm, tăng 29,5% so với năm 2008; toàn huyện phát triển được 1.231 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến; 6,5 ha nuôi tôm công nghiệp; 4.050 ha nuôi tôm sinh thái, đồng thời hoàn thành hồ sơ công nhận thêm 6.000 ha nuôi tôm sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Khoẻ (ấp Chín Biện, xã Tam Giang Tây) với 7,3 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, chỉ độc canh nuôi tôm truyền thống, sản xuất không hiệu quả. Trước khó khăn đó, ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn thí điểm nuôi 0,8 ha quảng canh cải tiến.
Ông Khoẻ cho biết: “Sau 3 tháng 15 ngày, tôm đạt trọng lượng trung bình 20 con/kg, lợi nhuận trên 24 triệu đồng. Nuôi tôm như thế này ít chi phí lại lợi nhuận cao nên tôi sẽ mở rộng diện tích”.
Đề án cũng mở hướng đi mới cho người dân trong việc nuôi tôm công nghiệp, tuyên truyền, vận động những hộ dân có điều kiện nuôi tôm công nghiệp. Đồng thời, huyện cũng thực hiện mô hình để người dân học hỏi phát triển.
Năm 2011, huyện triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp với diện tích 0,5 ha, năng suất chỉ đạt 2,4 tấn/ha. Đầu năm 2012 thực hiện 2 mô hình với diện tích 1,5 ha, năng suất đạt 3,5 ha.
Là người chủ động, mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp, ông Ngụy Văn Hoá (ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây) chia sẻ: “Đây là hình thức nuôi tôm mới trên địa bàn huyện, theo hình thức khép kín, diện tích nhỏ dễ quản lý, chủ động trong khâu chăm sóc, theo dõi con tôm để có hướng khắc phục kịp thời”. Mô hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tuy chưa thu hút được người dân nuôi, nhưng đây cũng là một trong những hướng đi mới mà huyện tập trung triển khai thực hiện để nhân rộng.
Nhìn chung, qua 4 năm thực hiện đề án, năng suất, hiệu quả, chất lượng trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản được nâng lên, trình độ kỹ thuật sản xuất được nâng cao, năng suất nuôi trồng thuỷ sản bình quân hằng năm đều tăng, tạo được nhiều mô hình mới để nhân dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2013-2015 của đề án, năng suất nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện phải đạt bình quân 1.205 kg/ha/năm. Thực hiện được điều này, công tác tập huấn khuyến ngư phải bảo đảm trên 90% hộ nuôi trồng thuỷ sản nắm vững các quy trình kỹ thuật cơ bản trong quá trình sản xuất.
Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái, nuôi cua, sò, nghêu và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả cao, xây dựng mô hình kinh tế tập thể để làm tiền đề tạo bước đột phá cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện.