Hiệu quả hầm chứa hải sản cách nhiệt trên tàu đánh bắt xa bờ
Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: Trong những năm gần đây, nhằm giảm tổn thất sau đánh bắt, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế biển, nhiều ngư dân trong tỉnh đã đầu tư công nghệ hầm chứa cá cách nhiệt dùng vật liệu PU (Polyurethane).
Ngư dân Nguyễn Văn Qua, chủ tàu cá BĐ 9101-TS, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn, cho biết: Phương pháp xây dựng hầm cá bảo quản bằng vật liệu công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp (PU) mới, lót hầm inox và khi phun bọt xốp (PU) sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu ngăn không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt. Với phương pháp này, khối lượng nước đá mang theo được sử dụng đạt đến 95% (bình thường chỉ sử dụng đạt từ 60-70%), hạn chế tàu phá nước.
Theo anh Qua, mỗi chuyến đi biển mỗi tàu mang theo khoảng 350 cây đá lớn. Với cách bảo quản thủ công, lượng đá sử dụng trong hầm để đủ bảo quản sản phẩm trong thời gian từ 17-20 ngày, nhưng do đá tan nhanh nên việc bảo quản cá không thật sự tốt. Khi sử dụng công nghệ mới hầm chứa cá cách nhiệt bằng vật liệu (PU), ngư dân sẽ tiết kiệm được một lượng nước đá lớn, mỗi chuyến biển mỗi tàu chỉ cần mang theo 250 cây nước đá (giảm 100 cây nước đá so với hầm bảo quản truyền thống) và đặc biệt, cá được bảo quản tươi, ngon nên giá thành bán cao hơn rất nhiều.
Tuy chi phí vật liệu để làm hầm bảo quản theo phương pháp mới cao hơn từ 1,5 đến 2 lần vật liệu truyền thống, nhưng tuổi thọ hầm chứa lại cao hơn gấp 10 lần và thời gian sử dụng từ 15-20 năm, trong khi hầm xốp truyền thống chỉ sử dụng được từ 3-4 năm.
Khó khăn hiện nay đối với tàu cá sử dụng hầm bảo quản cũ khi xây dựng hầm bảo quản theo phương pháp mới thì phải thay đổi một số bộ phận cũ trên tàu nên chi phí đầu tư cao hơn. Do vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân có điều kiện thay thế hầm bảo quản hải sản đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập, yên tâm bám biển dài ngày.