Hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa
Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa là mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), vừa giúp gia tăng hiệu quả kinh tế trên vùng đất lúa truyền thống, vừa tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn như con tôm sạch, lúa sạch, gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Mô hình này vừa được xây dựng thí điểm thành công tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, với 17 hộ nông dân tham gia, do Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào thực hiện.
Nâng cao thu nhập
Tôm càng xanh là loài sống và phát triển chủ yếu trong môi trường nước ngọt, có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích thước cá thể lớn, thịt thơm ngon, là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tại huyện Thạnh Phú, khu vực tiểu vùng 2 và tiểu vùng 3 (gồm các xã An Nhơn, An Điền, Mỹ An…) có vùng sản xuất lúa - tôm phát triển mạnh. Trong đó, cây lúa được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”. Nông dân nơi đây tận dụng thời điểm 6 tháng cuối năm, thời tiết thuận lợi để trồng lúa mùa. Việc canh tác các loại thủy sản xen canh trong ruộng lúa nhằm giúp tăng thu nhập cho nông dân trong cùng diện tích đất canh tác. Đây cũng là mô hình thích ứng BĐKH đang được khuyến khích phát triển, nhân rộng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Với những lý do đó, Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất dự án: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với BĐKH” và bắt đầu triển khai từ tháng 7-2020, với quy mô 15ha. Mật độ thả nuôi: 3 con/m2. Mô hình được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự đồng hành chia sẻ của các doanh nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của Công ty LAVIFOOD về kinh phí để triển khai thành công dự án như tập huấn, thông tin tuyên truyền, 100% con giống tôm càng xanh, 50% giống lúa, thức ăn cho tôm. Tập đoàn Bồ Đề hỗ trợ các sản phẩm phục vụ nuôi tôm cho nông dân tham gia dự án trong điều kiện BĐKH và dịch Covid-19.
Anh Lê Hòa Bình, ấp Giang Hà, xã An Điền tham gia mô hình với diện tích 1ha. Anh Bình cho biết: “Sau gần 7 tháng, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt kích cỡ 20 con/ký, lợi nhuận 53 triệu đồng. Bên cạnh đó còn lợi nhuận từ trồng lúa là 11,2 triệu đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn kéo dài và gay gắt nhưng kết quả sản xuất khả quan từ mô hình tạo sự phấn khởi và niềm tin cho người nông dân để tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình trong thời gian tới”.
Anh Võ Văn Cường, ấp An Khương, xã An Điền, cũng gặt hái nhiều thắng lợi trong năm 2020. Với quy mô 1ha, sau gần 7 tháng tham gia mô hình, trừ hết chi phí, anh lợi nhuận trên 85 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp bền vững
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Châu Hữu Trị khẳng định: Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đó là làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, định hướng đến sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch. Đồng thời, việc luân canh và xen canh tạo sự hài hòa trong môi trường sống giữa con tôm và cây lúa, làm giảm bớt dịch bệnh, tận dụng không gian, tận dụng thức ăn dư thừa bổ sung cho nhau. Hệ sinh thái sau vụ lúa sẽ cung cấp đủ nguồn thức ăn cho tôm, tôm sẽ tăng trọng nhanh và sạch bệnh. Ngược lại, ruộng lúa sẽ thừa hưởng các vi lượng vô cơ mà tôm thải ra và chu kỳ đó xoay vòng liên tục, bền vững qua từng năm.
Về mặt khoa học, mô hình này có thể ứng dụng một số giống lúa chịu mặn trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, ứng dụng giống tôm càng xanh toàn đực vào sản xuất làm gia tăng năng suất. Nông dân được tập huấn, ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật như: bẻ càng, ương kích cỡ giống lớn, sử dụng thức ăn công nghiệp, thay nước, thả chà... làm gia tăng tỷ lệ sống mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
“An Điền là xã tiểu vùng 3 của huyện Thạnh Phú. Con tôm và cây lúa là 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trước đó, do hầu hết bà con tự phát trong việc chọn cây giống, con giống, các loại vật tư đầu vào nên hiệu quả đầu ra chưa đồng đều. Nhưng qua mô hình này đã khẳng định việc cần thiết phải liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng đầu vào, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, mở ra hướng hợp tác, liên kết “4 nhà” trong sản xuất. Chỉ có như thế kinh tế An Điền mới có thể vực dậy” - Chủ tịch UBND xã An Điền Trần Thế Phước chia sẻ.
Dịp tổng kết mô hình mới đây, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh Nguyễn Võ Nhất Duy cũng chia sẻ niềm vui cùng nhà nông và khẳng định tính hiệu quả cao của mô hình trong điều kiện BđKH. Mô hình có khả năng nhân rộng thêm trên địa bàn huyện Thạnh Phú. “Ngoài kỹ thuật được tập huấn, bà con cần mạnh dạn nghiên cứu thêm kinh nghiệm kỹ thuật trên mạng Internet. Câu lạc bộ sẵn sàng góp tri thức với các đơn vị để chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ bà con nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới” - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết.