Hiệu quả mô hình nuôi xen canh tôm - cua
Mô hình nuôi xen canh cua biển trong vùng tôm lúa đã được nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) thực hiện nhiều năm qua mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2013, huyện An Minh có kế hoạch thả nuôi 35.000 ha cua, chủ yếu là nuôi xen canh trong vùng tôm lúa. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện, đến nay nông dân đã thả nuôi được 35.976 ha, trong đó diện tích thả nuôi xen trong vùng tôm lúa là 33.918 ha. Diện tích đã thu hoạch được 27.433 ha, năng suất đạt 170 kg/ha, sản lượng 4.727 tấn.
Hiện nay, nông dân đang tiếp tục thu hoạch diện tích còn lại và thả nuôi nối vụ trên các tiểu vùng để kịp thu hoạch vào dịp cuối năm. Ngoài ra, nông dân còn nuôi cua ở những vùng chuyên nuôi trồng thủy sản và nuôi dưới tán rừng phòng hộ với diện tích khoảng 2.000 ha. Lượng cua thu hoạch cả năm 2013 của huyện ước đạt trên 8.000 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tấn, một nông dân thực hiện mô hình xen canh tôm cua ở xã Thuận Hòa, An Minh cho biết: “Nuôi cua xen canh với tôm không tốn kém thêm nhiều chi phí, chủ yếu là tiền mua cua giống, không tốn tiền thức ăn. Sau khi thả tôm nuôi một thời gian là có thể thả xen cua giống vào vuông, theo dõi chăm sóc đến cuối vụ là có cua thu hoạch. Mỗi ha cho thu hoạch khoảng 150 - 200 kg cua, giá bán cua thịt trung bình 120.000 đồng/kg, cua gạch son 200.000 đồng/kg. Riêng vào những dịp lễ tết, giá cua thường tăng gấp đôi. Nhờ đó, giúp nông dân tăng thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha so với chỉ nuôi tôm”.
Tại huyện An Biên, nông dân cũng thực hiện mô hình nuôi xen canh tôm cua khá thành công. Ông Phan Công Rô, Phó trưởng Phòng NN-PTNT An Biên cho biết, vụ tôm lúa 2013 toàn huyện thả nuôi được 9.454 ha, trong đó có 6.731 ha nuôi xen tôm cua. Đến nay, nông dân đã thu hoạch dứt điểm, năng suất tôm bình quân đạt 221 kg/ha, sản lượng 2.087 tấn, cua đạt 86,5 kg/ha, sản lượng 583 tấn. Hiện người dân đang tiến hành cải tạo ruộng xổ mặn, rửa phèn chuẩn bị xuống giống vụ lúa 2013-2014.
Theo ông Rô, nhờ mô hình nuôi xen canh tôm cua đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập trong cùng diện tích canh tác, trong khi chi phí đầu tư tăng thêm rất ít. Chính vì vậy, những năm qua nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình này, mở rộng diện tích thả nuôi.