TIN THỦY SẢN

Hiệu quả những mô hình chăn nuôi thủy sản

Kiểm tra tôm giống thả nuôi

Các năm qua, ở khu vực Bờ Ao xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho nông dân, vừa nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, mà còn thúc đẩy sinh hoạt xã hội nông thôn khu vực giáp ranh huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên.

* Nông dân Bùi Hữu Đức, phường Mỹ Thới: “Nuôi lươn đạt kết quả nhờ được học nghề”.

Hơn 100 hội viên, nông dân ở địa phương đã được tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân phường Mỹ Thới kết hợp ngành chuyên môn của thành phố Long Xuyên tổ chức và triển khai xây dựng 3 điểm trình diễn kỹ thuật nuôi lươn tại khóm. Sau khi học nghề, hầu hết bà con nuôi đều đạt kết quả, biết chọn lươn giống khỏe, chăm sóc tốt từ khi thả lươn giống đến lúc thu hoạch; giảm hao hụt đáng kể, sản lượng thu hoạch lươn loại 1 và loại 2 đạt từ 75% – 80%; còn số lươn loại 3 sau đợt thu hoạch tiếp tục nuôi thêm 3 tháng thì đạt loại 2, thậm chí nâng lên loại 1. Bằng chất liệu ny-lon, diện tích mỗi bồn 40m2 (4m x 10m) có thể thả lươn giống 40 – 50 con/m2 (loại 50 – 60 con/kg), sau 5 – 6 tháng nuôi cho  trọng lượng 150 – 200g/con, sản lượng đạt 150kg – 250kg/bồn. Tính tổng chi phí đầu tư trên 14 triệu đồng/bồn, giá thành 57.000đ/kg; giá bán bình quân 110.000đ/kg, doanh thu trên 27 triệu đồng/bồn, trừ chi phí còn lời trên 13 triệu đồng/bồn.

Trong khóm Long Hưng 2 đã có trên 60 hộ nuôi lươn, mỗi hộ từ 2 đến 6 bồn, ngoài hiệu quả mang lại cho người nuôi, mô hình còn tạo điều kiện cho bà con kiếm thêm thu nhập từ việc bắt ốc bươu vàng, cào hến… làm thức ăn cho lươn nuôi.

* Nông dân Mai Tấn Phước, phường Mỹ Thạnh: “Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp”.

Mô hình này, do Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ và Sở Khoa học – Công nghệ An Giang chuyển giao kỹ thuật, tôi mạnh dạn tiếp nhận, được hỗ trợ 1.500 con giống, nuôi trong bể ny-lon 15m2 và cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Sau 5 tháng nuôi đầu tiên, số lượng hao hụt lên tới 700 con, còn lại 800 con với trọng lượng từ 600g – 800g/con, bán được 13,7 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lời 6,6 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, tôi làm thêm một bể 2.500 con, nuôi 3 tháng trọng lượng 400g – 500g/con, thu hoạch lời được trên 7,5 triệu đồng.

Tôi thấy, nếu thả cá đầu vuông thì số lượng hao hụt từ 30% đến 40%, còn thả cá đầu nhím thì khoảng 20% – 30%. Song, cá lóc đầu nhím chậm lớn nên cho ăn thêm từ 21 giờ đến 23 giờ, cá tăng trọng nhanh hơn. Mô hình nuôi cá lóc trong bể ny-lon không cần diện tích lớn, công chăm sóc nhẹ nhàng hơn, có thể tận dụng lao động gia đình, diện tích quanh nhà để nuôi mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.

Hiện tại, trong khóm Thới An A có 15 hộ đang nuôi cá lóc theo mô hình này, khả năng phát triển ổn định do có hiệu quả kinh tế khá tốt. 

* Nông dân Văn Công Hường, xã Phú Thuận: “Canh tác 1 vụ lúa + 1 vụ tôm rất lý tưởng”.

Năm 2012, mô hình nuôi tôm càng xanh chất lượng cao do Trung tâm Giống thủy sản An Giang và Đại học Cần Thơ tổ chức ở vùng “1 vụ lúa + 1 vụ tôm”, bước đầu chọn ra 6 hộ với 15 héc-ta để triển khai và được hỗ trợ 50% chi phí (1 hộ/1 héc-ta/50 triệu đồng). Tôi là 1 trong 6 người được chọn đi tập huấn kỹ thuật. Cách làm mới hay ở chỗ, thả con giống với mật độ dày và khoanh khu vực nuôi với diện tích nhất định, sau đó từ 75 đến 90 ngày tuổi bắt đầu phân loại cái và đực tách riêng, như vậy sẽ cho năng suất cao hơn. Trước đây, người nuôi tôm ở Phú Thuận cũng đã làm tương tự, hiệu quả rất tốt, nếu tính nội phần tôm cái tách ra và đem đi bán cũng đủ lấy lại chi phí. Tuy nhiên, do thả nuôi mật độ thưa, năng suất thấp.

Về con giống đều mua từ Lấp Vò, Cao Lãnh và một số ít do Đại học Cần Thơ cung cấp. Phần vốn, có Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cam kết hỗ trợ và đáp ứng khi nhu cầu.

Báo An Giang