Hiệu quả nuôi tôm càng xanh nước lợ
Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nông dân tỉnh Kiên Giang tìm tòi những mô hình sản xuất thích ứng, phù hợp với đồng ruộng. Nuôi tôm càng xanh nước lợ tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là một trong những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả khả quan.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, vụ mùa tôm năm 2015, huyện Vĩnh Thuận thả nuôi 3.578ha tôm càng xanh, tổng sản lượng hơn 2.430 tấn, năng suất bình quân 679kg/ha. Ông Huỳnh Văn Lĩnh, ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, cho biết: “Tôi thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích 1,2ha vừa thu hoạch xong, sau khi trừ các khoản chi phí còn hơn 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hơn nữa, trồng lúa gần đây kém hiệu quả do xâm nhập mặn khiến lúa chết tràn lan”. Tương tự, với diện tích 3ha nuôi tôm, nông dân Bùi Tấn Te, ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, phấn khởi nói: “Tôi đầu tư 16 triệu đồng nuôi tôm càng xanh, khi thu hoạch bán với giá 195.000 đồng/kg được gần 100 triệu đồng. Mức lợi nhuận hấp dẫn nên nông dân vùng này đang tập trung nuôi tôm càng xanh”.
Sáng kiến của nông dân huyện Vĩnh Thuận trong việc nuôi tôm càng xanh nước lợ là kết hợp với nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, theo mô hình sản xuất tôm - lúa. Tôm càng xanh là loài thủy sản thích hợp với môi trường nước ngọt nhưng được bà con thuần hóa đưa về nuôi vùng nước lợ và sinh trưởng tốt. Theo kinh nghiệm của nông dân, ưu điểm vượt trội của tôm càng xanh so với tôm sú, tôm thẻ chân trắng là dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh gây hại và khả năng thích ứng nhanh với điều kiện môi trường, nguồn nước. Nhiều nông dân cho biết: “Trước đây, vùng này có hai đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo phương pháp sản xuất mới, thả giống tôm càng xanh nuôi xen và mang lại kết quả bất ngờ. Bây giờ nông dân có thể sản xuất đan xen trên cùng một diện tích giữa lúa, tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh”. Ông Huỳnh Văn Lĩnh, ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, chia sẻ: “Nuôi tôm thẻ thời gian 3 tháng thu hoạch, còn tôm càng xanh trên dưới 5 tháng nên nông dân lấy ngắn nuôi dài. Do vậy, khi thu hoạch dứt điểm tôm thẻ chân trắng thì tập trung chăm sóc tôm càng xanh. Hết vụ thu hoạch tôm chuyển sang sản xuất vụ lúa để cải tạo lại môi trường đồng ruộng và tiếp tục thả giống mới. Để đảm bảo “ăn chắc”, tôm càng xanh được nuôi trong môi trường nước lợ vài ba ngày cho chúng quen dần với nồng độ mặn trước khi thả lan ra đồng đất. Điều này giúp tôm tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi ban đầu, thích nghi môi trường nước lợ, nên tôm không bị sốc, giảm tỷ lệ hao hụt”.
Mô hình “lúa - tôm sú - tôm thẻ chân trắng - tôm càng xanh” được nông dân sản xuất đan xen ở huyện Vĩnh Thuận bước đầu mang lại hiệu quả cao, cần được các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện quy trình sản xuất. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn, xâm mặn sâu gay gắt… thì mô hình này cần sớm quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ. Đặc biệt, cần đầu tư về thủy lợi, con giống, ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm giúp nông dân sản xuất hiệu quả, làm giàu trên đồng ruộng.