TIN THỦY SẢN

Hiệu quả nuôi trồng thủy sản ở Đầm Hà

Cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi nhuyễn thể tại khu vực cồn Uốc, xã Tân Bình. Hữu Việt

Theo báo cáo của huyện Đầm Hà, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 toàn huyện đạt 8.503 tấn, tăng 15,8% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5.144 tấn, tăng 7,52% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 2.670 tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ.

Ông Trần Văn Huấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà cho biết: Trong thời gian qua, huyện đã tập trung cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, luôn tạo điều kiện thuận lợi và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó huyện đã triển khai thực hiện các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn; quy hoạch chi tiết phát triển vùng nuôi tôm tập trung tại xã Tân Lập và Tân Bình.

Từ những quy hoạch, huyện xây dựng hai vùng nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn: Vùng nuôi tôm hàng hoá tập trung tại 4 xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể hàng hoá tập trung xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích khoảng 500ha. Năm 2017, huyện Đầm Hà thả nuôi 843,6ha thủy sản các loại, trong đó diện tích nuôi tôm 405ha, nhuyễn thể 246ha; nuôi trong ao đầm, rào chắn 32,2ha; nuôi cá nước ngọt 94,4ha; nuôi cá biển 66ha…

Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, huyện Đầm Hà đã phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn về thủy sản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng chống dịch bệnh. Trong năm, qua kiểm tra, giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã phát hiện 12 hộ nuôi có hiện tượng tôm chết với diện tích 4,34ha và đã kịp thời cấp 1.600kg hóa chất để xử lý dịch bệnh.

Được biết, trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai một số mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP tại Đầm Hà làm cơ sở để bà con nông dân học tập kinh nghiệm, mở rộng diện tích nuôi theo hướng này. Để triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân đang tham gia nuôi tôm chân trắng tại một số xã ven biển; đánh giá các mối nguy về an toàn dịch bệnh, ATVSTP; phương pháp ghi chép hồ sơ, nhật ký ao nuôi; đồng thời cung cấp các thông tin về hiện trạng, định hướng phát triển nuôi tôm chân trắng.

Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hoá chất.

Theo kế hoạch, năm 2018 huyện Đầm Hà sẽ thả nuôi 1.150ha thủy sản các loại, trong đó diện tích nuôi mặn, lợ 970ha, riêng nuôi tôm 540ha; phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.430 tấn, riêng sản lượng nuôi tôm đạt 3.520 tấn.

Hiện nay, bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại Đầm Hà đang tập trung cải tạo ao, đầm thả giống. Tổng diện tích đã được cải tạo, chuẩn bị thả giống thủy sản vụ thu đông đạt hơn 100ha. Nuôi tôm ở Đầm Hà đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp với quy mô hàng trăm ha.

Hữu Việt Báo Quảng Ninh