Hiệu quả thiết thực từ mô hình nuôi tôm VietGAP tại Long An
Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều hộ nuôi ở Long An đã áp dụng nuôi tôm theo hướng VietGAP, tạo sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng và phát triển theo hướng bền vững.
Nhằm giúp người dân nuôi tôm nâng cao trình độ sản xuất, nắm vững cao biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Long An xây dựng 5 mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình VietGAP tại xã Phước Vĩnh Tây (3 điểm) và xã Phước Lại (2 điểm) huyện Cần Giuộc.
Yêu cầu cụ thể của mô hình là ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ thâm canh theo quy trình VietGAP. Thông qua xây dựng mô hình trình diễn, Trung tâm tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan để giới thiệu mô hình rộng rãi đến các hộ nuôi tôm khác được biết và áp dụng. Điểm mới trong mô hình lần này là các mô hình áp dụng phải đạt tối thiểu 80% theo bộ tiêu chí VietGAP và có ít nhất 1 hộ đạt đầy đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Hiện nay tôm được nuôi nhiều ở các huyện như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành. Trong đó, các chỉ tiêu chính cần thực hiện bao gồm: mật độ thả nuôi 80 con/m2, hệ số thức ăn 1.3, cỡ tôm thu hoạch khoảng 30 con/kg, đạt năng suất tối thiểu 10 tấn/ha .Với phương pháp nuôi mới này, nhiều mô hình VietGap trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã cho thu nhập đến 300 triệu đồng/trên diện tích 5.000m²/vụ, tăng hơn 50 triệu đồng so với nuôi ngoài mô hình.
Với hàng nghìn ha diện tích nuôi tôm nước lợ ở Long An như hiện nay, việc hướng dẫn bà con nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình VietGap sẽ giúp cho người nuôi tôm có hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí. Có thể thấy, những năm trước đây, do các hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến và sự hiểu biết cũng như đầu tư thâm canh chưa đúng mức. Do đó, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, Chi cục Thủy sản thực hiện trình diễn thí điểm mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, từng bước hướng bà con nuôi tôm an toàn, tạo sản phẩm bền vững. Tới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Long An sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình, phấn đấu bước đầu đạt 5%-10% diện tích nuôi; đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ như đầu tư ao lắng, hợp tác với các tổ nuôi tôm, làm tiền đề cho việc nuôi tôm bền vững, ổn định, lâu dài.
Qua áp dụng mô hình trình diễn “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng sinh học” tại một số địa phương của tỉnh Long An, đã giúp bà con hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc ghi chép đầy đủ các thông tin chế độ ăn, loại thức ăn, thuốc thú y, thuỷ sản hoá chất dùng trong suốt quá trình nuôi sẽ giúp cho sản phẩm tôm thẻ của người nuôi thực hiện được việc cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ít sử dụng thuốc kháng sinh, chất hóa học, tạo ra sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người và cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường.
Trong xu thế cạnh tranh từ thị trường của mặt hàng thủy sản và các rào cản kỷ thuật của các nước như Eu, Mỹ, Nhật Bản…về các tiểu chuẩn liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường đòi hỏi ngành thủy sản Việt Nam nói chung cũng như tất cả các hộ nuôi nói riêng cần thực hiện nuôi đảm bảo chất lượng kiểm soát được nguồn gốc, kiểm soát được dịch bệnh và dư lượng thuốc. Để mặt hàng thủy sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường, ngay từ bây giờ cần áp dụng khoa học kỷ thuật và ứng dụng các mô hình nuôi an toàn theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP…