Hiệu quả từ Dự án ngọt hóa
“Cống đập Ba Lai đáp ứng nhu cầu nước ngọt trong sinh hoạt và phục vụ có hiệu quả quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện kinh tế cho trên 50% hộ dân ở địa phương”. Ông Đặng Văn Đua Em - Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị cho biết.
Năm 1998, cống đập Ba Lai được khởi công xây dựng, đến năm 2000 hoàn thành đưa vào sử dụng. Trước đây, người dân xã Thạnh Trị và các xã lân cận phải chịu tình trạng đất và nước nhiễm mặn.
Khoảng 1.000ha với gần 70 hộ dân sinh sống khu vực gần cống chịu ảnh hưởng, diện tích rừng bị ngập mặn quanh năm, đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo của địa phương 25%. Kinh tế chủ yếu là nuôi thủy sản nước mặn (tôm), mùa vụ bấp bênh. Ngoài ra, người dân trồng lúa, mía, dừa chiếm trên 770ha, nhưng điều kiện thổ nhưỡng không thích hợp, năng suất rất thấp. Mỗi năm làm một vụ lúa, trung bình đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha, riêng mía phát triển chậm, năng suất chỉ 4 - 4,5 tấn/ha. Người dân không thể trồng trọt cây trái, hoa màu vì nguồn nước mặn quanh năm. Trong sinh hoạt, người dân phải mua nước ngọt từ các địa phương khác, với giá 80-100 ngàn đồng/ xe từ 2 - 2,5m3.
Khi có chủ trương ngăn đập, ngọt hóa dòng nước ảnh hưởng đến quyền lợi, người dân không đồng tình vì lý do “ngọt hóa dòng nước không thể nuôi tôm phát triển kinh tế”. Sau thời gian chính quyền địa phương vận động tuyên truyền, phân tích thế mạnh giữa nước mặn và ngọt, dần dần người dân thấy được ưu thế của nước ngọt trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Từ mô hình truyền thống nuôi thủy sản nước mặn chuyển sang nuôi thủy sản nước ngọt và kết hợp trồng cây trái, hoa màu có dấu hiệu khởi sắc trong kinh tế của người dân.
Ông Nguyễn Chí Công ở ấp Bình Thạnh (xã Thạnh Trị) một năm thử nghiệm nuôi cá rô nước ngọt, bộc bạch: “Tôi tâm đắc với nước ngọt, vừa có thể nuôi thủy sản vừa tận dụng nguồn nước ngọt tưới tiêu và sinh hoạt thuận tiện và có điều kiện phát triển. Trước đó nuôi tôm nước mặn hiệu quả năm nào tính theo năm đó, kinh tế gia đình không ổn định. Khi Dự án ngọt hóa hoàn thành, tôi đã mạnh dạn nuôi 2.500 con cá rô. Sau 3 tháng rưỡi, tôi thu hoạch, trừ chi phí, phần vốn hỗ trợ 30% và con giống của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, thu lãi về trên 17 triệu đồng”. Gần đó, chị Trần Thị Thủy cũng phấn khởi cho biết, có nguồn nước ngọt, sinh hoạt hàng ngày ít tốn kém hơn, số tiền mua nước để cho con đi học cũng được tiết kiệm hơn. Đồng thời, có nước ngọt tưới mía, dừa, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Hiệu quả từ Dự án ngọt hóa mang lại là nguồn nước sinh hoạt của người dân được đảm bảo. Xã xây dựng nhà máy nước sạch “Đan Mạch”, nhà máy nước thô (nguồn nước ngọt chưa qua xử lý) tạo điều kiện có nước ngọt sử dụng canh tác, sinh hoạt. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Kinh tế xã Thạnh Trị đang phát triển với nhiều mô hình làm kinh tế mới trong các hộ dân. Toàn xã có 5 hộ nuôi thủy sản nước ngọt (cá lóc bông) với diện tích trên 7,5ha. Ngoài ra, người dân địa phương còn thử nghiệm trồng cây ăn trái, như: thanh long, bưởi trên diện tích đất vườn cải tạo lại. Đặc biệt, lúa được sản xuất 3 vụ/năm, với sản lượng bình quân 5 tấn/ha. Người dân còn tận dụng rơm để làm nấm, nuôi bò, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Đặng Văn Đua Em cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp dẫu chưa mang lại hiệu quả kinh tế tuyệt đối, nhưng tính rủi ro thấp, tính bền vững và an toàn cao, tạo sự phấn khởi cho người dân địa phương trong phát triển kinh tế. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân thấy rõ hiệu quả từ nguồn nước ngọt và an tâm sản xuất; đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi cá nước ngọt, khuyến khích phát triển đàn bò.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 19,12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,6 triệu đồng/năm. |