Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ ruộng muối sang nuôi tôm
Khoảng 10 năm trước đây, nhiều hộ làm muối tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã luân canh vụ trên cùng một ruộng muối. Theo đó, vào mùa nắng người dân làm muối và vào mùa mưa người dân nuôi tôm.
Thế nhưng, do giá muối quá rẻ và ngày càng bấp bênh, tốn nhiều nhân công lao động, nên 3 năm trở lại đây hàng chục hộ làm muối đã chuyển hoàn toàn sang nuôi tôm; trong đó, có nhiều hộ dân đã đầu tư trang thiết bị hiện đại nuôi tôm theo công nghệ cao. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có cuộc sống ổn định, khấm khá.
Phường 12, thành phố Vũng Tàu là địa phương có truyền thống sản xuất muối từ lâu đời, với khoảng 30 hộ. Thế nhưng, do giá muối rẻ và đầu ra bấp bênh nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường những năm đầu luân canh một vụ nuôi tôm, một vụ làm muối để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã chuyển hẳn sang nuôi tôm, bỏ nghề làm muối truyền thống lâu đời.
Ông Lê Quang Hùng, ở khu phố 4, phường 12 có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm muối. Trước đây, làm muối là một nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông cũng như nhiều diêm dân khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do biến động của thị trường, giá muối không còn ổn định, có lúc giảm đáng kể.
Cùng với đó, thời tiết thất thường khiến cho việc sản xuất muối của diêm dân gặp nhiều khó khăn, chính vì thế cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập chính của diêm dân.
Năm 2005, nhờ được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh chuyển giao kỹ thuật, ông Hùng bắt đầu chuyển sang nghề nuôi tôm sú trên ruộng muối vào mùa mưa. Thay vì các năm trước đó đến mùa mưa, ruộng muối phải bỏ hoang, ông đã tận dụng để triển khai nuôi tôm trên diện tích 2.700 m2 ruộng muối.
Những năm đầu mới triển khai việc nuôi tôm, cứ mùa nắng ông làm muối, đến mùa mưa lại nuôi tôm. Ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu lãi gần 20 triệu đồng. Thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm muối, ông Hùng thuê thêm đất ruộng để đầu tư mở rộng diện tích nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến rồi đến nuôi thâm canh, bỏ hoàn toàn nghề làm muối.
Năm 2018, ông Hùng quyết định đầu tư cải tạo mô hình nuôi tôm sú thâm canh và ứng dụng công nghệ cao nền ao tôm lót bạt, máy sục khí, quạt, ao tôm có mái che mát trên diện tích 1,5 ha, với kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng; trong đó, có 2 ao nuôi và 3 ao lắng. Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, nhờ có máy móc hiện đại, quy trình lắng lọc nước vào ao nuôi rất nghiêm ngặt, nên hiện nay 1 năm gia đình ông Hùng nuôi được 3 vụ tôm, với khoảng trên 16 tấn tôm/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng.
Thấy mô hình nuôi tôm trên ruộng muối vào mùa mưa đạt hiệu quả, năm 2015, ông Phạm Văn Bạch, cũng ngụ khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Nhờ vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm, ông Bạch cũng đã rất thành công, nên hiện nay ông cũng đã chuyển hẳn sang nghề nuôi tôm. Ông Bạch chia sẻ, nhận thấy làm muối rất vất vả, tốn nhiều chi phí cho nhân công lao động, trong khi đó thu nhập lại không cao, nên gia đình tôi quyết định chuyển sang nuôi tôm.
Với 3ha diện tích trước đây là ruộng muối, ông Bạch cải tạo thành 3 ao nuôi tôm và 1 ao lắng để xử lý nước. Do vẫn nuôi trên nền đất, nên theo ông Bạch, để nuôi tôm trên ruộng muối thành công, khâu quan trọng nhất là xử lý nền ao nuôi, thứ 2 là con giống tôm và nguồn nước để nuôi tôm.
Hiện nay, nhờ kinh nghiệm nuôi được đúc rút lại từ nhiều năm, khâu xử lý nền ao, con giống, nguồn nước khá tốt nên mỗi năm ông Bạch nuôi được 2 vụ tôm, sản lượng thu về khoảng 9 tấn. Với giá bán từ 80 -140 nghìn đồng/kg tùy loại tôm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về khoảng 200 triệu đồng. Nhờ nuôi tôm mà cuộc sống gia đình ông Bạch đã khấm khá hơn trước đây khi còn làm muối rất nhiều.
Theo chia sẻ từ các hộ nuôi tôm trên ruộng muối, điều khó khăn nhất đối với nghề nuôi tôm hiện nay là môi trường rất xấu, liên tục thay đổi; khắc phục yếu tố bất lợi về môi trường nuôi là yếu tố quyết định để tồn tại với nghề nuôi tôm sú.
Do đó, để nuôi được tôm sú, các hộ nuôi phải chấp nhận dành 1/4 diện tích ao nuôi để làm ao lắng xử lý nước, gồm: lắng lọc hữu cơ, ổn định môi trường, diệt khuẩn trước khi cấp cho ao nuôi. Nhờ làm tốt các khâu này mà hiện nay, nhiều nông dân ở phường 12, thành phố Vũng Tàu nuôi tôm trên ruộng muối đạt năng suất, chất lượng cao.
Ông Trịnh Văn Sâm, cán bộ thủy sản - nông nghiệp phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây, người dân phường 12 vừa làm muối vừa nuôi tôm, nhưng do giá cả muối thấp, không ổn định nên thu nhập không cao, 3 năm trở lại đây người dân đã chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi tôm.
Hiện, toàn phường có khoảng 20 hộ chuyển hoàn toàn từ nghề làm muối sang nuôi tôm; trong đó, có 8 hộ đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ biết ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào nuôi tôm, cộng với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm đã góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.