Hiệu quả từ mô hình nuôi cá kết hợp cây ăn quả
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Liên Châu đã tổ chức dồn điền đổi thửa 299ha đất nông nghiệp kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn xã Liên Châu có 110 hộ thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác cá, vịt, cây ăn quả với diện tích 160 ha.
Xã Liên Châu vốn được coi là “rốn nước” của huyện Thanh Oai. Trước đây, đồng ruộng manh mún, nhiều diện tích chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước năm 2010, cũng như nhiều nông dân khác của xã Liên Châu, anh Thanh chỉ trồng lúa trên diện tích đất ruộng của gia đình nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2010, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương, anh Thanh bắt đầu thuê thêm đất của UBND xã Liên Châu để chuyển sang mô hình nuôi cá. Từ năm 2015, ngoài nuôi cá, anh kết hợp trồng cây ăn quả. Hiện nay, trang trại của gia đình anh với diện tích 4,2 ha quy hoạch khá khoa học, tận dụng tối đa diện tích đất, mặt nước để trồng cây ăn quả, thả cá. Trong đó, anh Thanh đầu tư hơn 3ha nuôi cá (chủ yếu hai giống cá trắm và chép), diện tích còn lại anh trồng nhãn. Được biết, để phát triển mô hình, anh Thanh đầu tư hệ thống máy móc hiện đại theo hướng công nghiệp như máy cho ăn, máy kéo lưới, máy chuyển cá.
Anh Thanh cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu trồng nhãn từ năm 2015. Năm 2018 tôi thu hoạch vụ nhãn đầu tiên với 7 tấn quả. Năm nay, vườn nhãn của tôi dự kiến cho thu hoạch 10 tấn quả. Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 2 2vụ từ ao nuôi cá với số lượng 4.000 cá trắm thương phẩm/vụ và 2.000 cá chép thương phẩm/vụ, cộng với 300 gốc nhãn cho thu hoạch 1 vụ/năm. Từ mô hình trang trại, gia đình tôi thu được từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 400-500 triệu đồng/năm”.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, anh Thanh tâm sự: “Tôi bắt đầu nuôi cá từ năm 1992 nên cũng có chút kinh nghiệm. 3 năm trở lại đây, tôi được sự tư vấn của các chuyên gia của Công ty thuốc Thú y Hanvet và Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà nên tiếp cận được nhiều kỹ thuật mới về nuôi trồng thủy sản. Đối với trồng nhãn, tôi mời chuyên gia bên Hưng Yên về tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên đạt hiệu quả cao”.
Bên cạnh đó, anh Thanh còn tích cực tham gia các cuộc hội thảo do địa phương tổ chức để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai, anh Thanh đã mạnh dạn vay vốn Quỹ khuyến nông để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2017 anh vay 350 triệu đồng. Năm 2019, sau khi trả hết vốn gốc và phí quản lý, anh tiếp tục vay 400 triệu đồng để phát triển trang trại. Theo đánh giá, nguồn vốn vay được gia đình anh sử dụng đúng mục đích, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.
Thành công của gia đình anh Thanh là kết quả của chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Mô hình của gia đình anh xứng đáng là mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn xã Liên Châu nói riêng và thành phố nói chung.