Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi Đường nghiệp
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng. Các hộ nuôi từng bước áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình nuôi cá rô phi dòng Đường nghiệp. Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng và khai thác tiềm năng phát triển NTTS của tỉnh theo hướng bền vững, phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, các hộ nuôi cá rô phi chủ yếu là cá rô phi vằn thuộc dòng Gift và Novit, ngoài ra có cá rô phi đỏ nuôi trong lồng trên sông với diện tích nuôi thâm canh và nuôi ghép khoảng 700ha, sản lượng ước đạt 6.325 tấn. Nhằm giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng trong việc nuôi cá rô phi, tiến tới NTTS theo hướng xuất khẩu, tháng 4-2015, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai đề tài “Thử nghiệm nuôi thâm canh cá rô phi dòng Đường nghiệp thương phẩm” tại các xã Quỳnh Phú và Cao Đức (Gia Bình). Đối tượng nuôi mới này có những ưu điểm vượt trội như: Tiêu tốn thức ăn thấp, lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, phù hợp với khí hậu cũng như môi trường nước tại tỉnh ta; có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi trong ao, ruộng cấy lúa, nuôi mật độ cao trên sông hồ chứa nước rộng và có thể nuôi đơn hoặc ghép với các loài cá khác. Đây cũng là giống cá có chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, là đối tượng nuôi chủ lực để xuất khẩu ở một số nước như Trung Quốc, Đài Loan…
Tham gia thử nghiệm đề tài, mỗi hộ được hỗ trợ 30.000 con giống/ha và được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá, được sự tư vấn, theo dõi sát sao của các cán bộ kỹ thuật từ khâu thả giống, điều chỉnh thức ăn, thay nước, quản lý môi trường ao nuôi… nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, không có trường hợp cá chết do dịch bệnh. Với mật độ thả 3con/m2, thời gian nuôi 5 tháng cá bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng trung bình đạt 0,6-0,7 kg/con, nuôi tiếp có thể đạt 1kg. Năng suất cá nuôi đạt xấp xỉ 20 tấn/ha/vụ.
Có mặt tại gia đình ông Nguyễn Xuân Thu ở thôn Đổng Lâm (xã Quỳnh Phú, Gia Bình), chứng kiến không khí phấn khởi của gia đình khi thu hoạch những mẻ lưới đầy, chúng tôi phần nào cảm nhận được niềm vui của người nuôi cá. Ông Thu cho biết: “Trước đây gia đình tôi nuôi các giống cá truyền thống như trôi, mè, trắm, chép, nên khi tiếp xúc với đối tượng nuôi mới cũng khá lo lắng, trong khi vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, sau 5 tháng triển khai, giống cá này sinh trưởng và phát triển tốt, tiêu tốn thức ăn thấp, ít bị phân đàn thuận lợi cho quá trình chăm sóc và thu hoạch. Với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg, sau 5 tháng nuôi, trừ các chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 140 triệu đồng”.
Ông Trần Đình Tập, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Lương Tài nhận định: “Có thể thấy, nuôi cá rô phi dòng Đường nghiệp cho năng suất, sản lượng cao gấp nhiều lần so với các đối tượng nuôi truyền thống. Đây cũng là giống có kỹ thuật nuôi không phức tạp, khả năng chống chịu cao, phù hợp với nguồn nước và điều kiện nuôi thả tại địa phương, có triển vọng nhân ra diện rộng”.
Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống mới vào sản xuất có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên 1ha mặt nước. Bên cạnh những thuận lợi về mặt định hướng, phát triển các đối tượng nuôi mới vẫn còn gặp phải một số khó khăn, số hộ nuôi các giống cá truyền thống còn khá nhiều, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi có chiều hướng gia tăng, nhiều hộ còn khó khăn trong việc bổ sung hoặc thay nước khi cần thiết; nhu cầu vốn cho người nuôi cá còn thiếu nên việc đầu tư hạ tầng, máy móc, thức ăn còn gặp khó khăn…
Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục nghiên cứu đề tài, tích cực tham mưu, đề xuất những chính sách hỗ trợ, chuyển giao KHKT, tạo thuận lợi cho các hộ nuôi nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.