TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch trong bể xi măng

Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch trong bể xi măng. Ảnh: thaimy.com.vn Nhất Linh

Những năm vừa qua, nghề nuôi ếch đang dần trở nên phổ biến ở nhiều địa phương do nhu cầu về tiêu thụ thịt ếch cao khiến sức cạnh tranh trên thị trường ngày một tăng. Do đó, người nuôi cần được tiếp cận với những kỹ thuật nuôi ếch bài bản hơn giúp đem lại hiệu quả kinh tế và nguồn lợi nhuận cao.

Đặc điểm của ếch

Ếch là loài động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước. Trong tự nhiên ếch thường sống ở những nơi ẩm ướt gần bờ nước của ao, hồ, sông. Thức ăn chủ yếu của chúng bao gồm các loài côn trùng nhỏ, cá ốc hay giun và thường kiếm ăn vào ban đêm.

Sở hữu bộ da trần phủ chất nhầy giúp giữ ẩm và hô hấp. Đầu ếch dẹp và nhọn khớp với thân thành một thể thống nhất. Ếch di chuyển trên cạn nhờ 4 chi có ngón, khi dưới nước chúng dùng hai chi sau có màng để bơi đồng thời để mắt và mũi nhô lên mặt nước để hô hấp. Mùa sinh sản của ếch thường là vào cuối xuân sau những trận mưa rào lớn.

Chuẩn bị môi trường nuôi ếch

Nước để nuôi ếch có thể là nước sông nước ao, hay nước giếng nhưng phải là nước sạch, không bị nhiễm mặn hay hóa chất độc hại. Nhiệt độ môi trường thích hợp nhất để ếch sinh trưởng và phát triển là 22 - 28 °C, pH nước trong khoảng 6,5 - 7 và độ mặn không quá 5%.

Nuôi ếch trong bể xi măng. Ảnh: tincay.com

Khi xây bể cần lưu ý vị trí xây bể nuôi cần thoáng mát. Tuy nhiên, ếch rất nhát và sợ va chạm nên cần chọn nơi yên tĩnh, tách biệt, tránh xa tiếng ồn. Xung quanh khu vực xây bể có thể trồng một số cây xanh để che bớt ánh sáng mặt trời hoặc dùng lưới nilon phủ bên trên (không cần phủ hết vì ếch cần hấp thụ ánh sáng tự nhiên.

Xây bể hình chữ nhật (diện tích khoảng 10 – 50m2), phần tường bao quanh cao từ 1,2 -1,5m, đáy bề láng xi măng xây với độ nghiêng từ 3 – 5% về phía ống thoát nước tiện cho việc thay nước thường xuyên. Nên chia bể nuôi thành nhiều ô liền kề nhau, ở giữa có lối đi thuận tiện cho việc quản lí, chăm sóc. Phía ngoài khu vực nuôi có thể dùng lưới thép để quây cao lên tránh sự tấn công của rắn, chuột, chim cú gây hại. Bên trong bể có thể thiết kế thêm giá thể bằng tra, nứa, gỗ cao hơn đáy (15 – 20cm) để ếch trú ngụ. 

Đối với bể mới cần chuẩn bị trước 1 tháng để khử bớt mùi xi măng. Theo kinh nghiệm của một số hộ nuôi lâu năm có thể băm thân cây chuối cho vào nước ngâm trong bể hoặc dùng thuốc tím, Chlorine, vôi sống. Thời gian khử trùng bể kéo dài từ 2 -3 tuần, độ sâu nước khoảng 30 cm.

Kỹ thuật nuôi ếch

Trong quá trình nuôi, cần kiểm tra và thay nước thường xuyên. Tháng đầu tiên, sau 1 tuần bắt đầu thay nước, những lần sau thay đầu từ 2-3 ngày/lần, mực nước trong bể duy trì từ 25 - 30 cm. 

Từ tháng thứ hai, thay nước 1 lần/ngày, mực nước trong bể giảm xuống còn 10 - 15 cm. Nên thay nước vào buổi sáng sớm, nếu thay vào chiều tối thì cần thay nước trước khi cho ăn. Nếu nước thay trong bể xi măng là nước giếng khoan thì cần được bơm lên và trữ trước 1 ngày để loại bỏ mùi kim loại và các thành phần hóa học trong nước.

Cứ 2 tuần tiến hành cân đàn ếch 1 lần để theo dõi sự phát triển nhằm điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. 

Nuôi ếch thịt nên tạo thói quen cho chúng ăn đúng giờ, hỗ trợ tạo phản xạ giúp chúng xác định được giờ ăn. Do ếch rất nhát nên người nuôi cần phải thân quen, không nên la hét, đập, gõ sẽ khiến chúng giật mình và nhảy loạn trong khu vực bể nuôi. Cần thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh bể nuôi.

Ếch rất thích sưởi nắng, nếu được tắm nắng thường xuyên thì chúng sẽ nhanh lớn. Tuy nhiên, vào ngày nắng gắt thì phải có biện pháp che bớt để giảm nhiệt độ nước trong bể. 

Sau khi nuôi khoảng 3 tháng, ếch sẽ ăn ít lại, đây là thời gian chúng phát triển thịt, đùi nên người nuôi không phải lo. Sau 2 tháng ương, bắt đầu phân cỡ. Sau đó, cứ 3 ngày tiến hành tách dần những con nhỏ hơn để nuôi trong bể riêng tránh tình trạng con to cắn chết hoặc tranh giành thức ăn với con nhỏ.

Nhất Linh