TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ mô hình sản xuất tổng hợp trên vùng đất phèn nặng huyện U Minh

Đất rừng U Minh là vùng đất phèn, trũng, trồng lúa và tràm theo phương pháp truyền thống cho thu nhập thấp. Hình CMO Tin và bài: Hoàng Pho

Chiều ngày 24/5, tại hội trường Trung tâm thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ Cà Mau (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau) tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất tổng hợp trên vùng đất phèn nặng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011- 2015”, thời gian thực hiện dự án 42 tháng (từ 10/2013 đến 4/2017) do Thạc sĩ Đoàn Hữu Nghị phó giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm.

Mục tiêu chung của dự án là xây dựng mô hình mẫu trên vùng đất nhiễm phèn nặng để nhân rộng, phát triển sản xuất trên toàn vùng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân trong vùng, thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Dự án đã triển khai thực hiện 5 mô hình do Trường đại học Cần Thơ chuyển giao công nghệ: Mô hình trồng mía gồm 03 giống K93-219, K95-156 và K88-200 với diện tích 3.000m2, mô hình trồng 02 giống chuối gồm chuối già Philippines và chuối xiêm với diện tích 13.500m2, mô hình sinh sản nhân tao, ương và nuôi bán thâm canh cá Sặc rằn và cá Rô đồng, với diện tích ao nuôi cá thương phẩm là 23.321m2, mô hình nuôi 40 heo rừng lai sinh sản với diện tích chuồng trại và khu chăn thả là 400m2, mô hình nuôi gà nòi lai thương phẩm quy mô 1.000 con với diện tích 700m2 bằng đệm lót sinh học.

Kết quả thực hiện cho thấy: Mô hình nuôi gà nòi lai sau 4,5 – 5 tháng gà đạt trọng lượng 1,93kg/con, tỷ lệ sống 96%, với sản lượng 2.044,5kg, giá bán tại thời điểm là 55.000đ/kg.



Hình gà nòi lai tại trại thực nghiệm

Mô hình nuôi heo rừng lai sinh sản: giống heo rừng bố, mẹ cho phối sinh sản là con heo rừng cái Việt Nam và con heo rừng đực Thái Lan. Trong đó heo cái 35 con và heo đực là 05 con, đàn heo tham gia sinh sản được 103 con, hao hụt 16 con, còn lại 87 con (tỷ lệ sống 84,46%), sau 3 tháng nuôi heo rừng giống đạt trọng lượng trung bình 9,46kg/con, giá bán 100.000 đ/kg.

Hình heo rừng lai tại trại thực nghiệm

Mô hình sinh sản nhân tạo và nuôi cá đồng thương phẩm: (i) sinh sản nhân tạo và ương cá sặc rằn và cá rô đồng, tỷ lệ sống của sặc rằn và rô đồng lần lượt là 76,52%: 83,81%, trong lượng bình quân 450,76 con/kg : 550,33 con/kg, lượng giống thu hoạch 354 kg : 37kg. (ii) nuôi thương phẩm cá đồng: cá đồng tăng trọng khá ổn định trong suốt 02 vụ nuôi, sau 8 tháng nuôi cá sặc rằn và rô đồng có tỷ lệ sống, kích cỡ, năng suất bình quân, sản lượng thu hoạch lần lượt là:41,64% : 48,81%; 8,56con/kg : 11,33con/kg; 3,405kg/ha : 3.662kg/ha; 7.151kg : 732kg; giá bán lẻ đối với cá sặc rằn quân bình 40.000đ/kg, cá rô đồng 50.000đ/kg.

Hình thu hoạch cá rô đồng trại thực nghiệm

Mô hình trồng chuối cấy mô: giống chuối xiêm 1.436 cây, chuối già Philippines  là 130 cây, từ khi trồng đến khi trổ buồng là 10 tháng với tỷ lệ sống; trọng lượng bình quân, sản lượng thu hoạch và năng suất bình quân lần lượt là: 97,8% : 50%; 15,3kg/buồng : 20,7kg/buồng; 4.120kg : 311kg; 25.351 kg/ha/năm : 31.050 kg/ha/năm giá bán quân bình chuối Xiêm 3.000 đồng/kg, chuối già Philipines là 5.000 đồng/kg.

Hình chuối già Philippine trại thực nghiệm

Mô hình trồng mía: Mía được trồng trên diện tích khá nhỏ (3.000m2) ước lượng sản lượng mía thu hoạch khoảng 10 tấn/3.000m2, năng suất bìn quân đạt 33,3 tấn/ha.

Hình mía trồng tại trại thực nghiệm

Qua kết quả triển khai thực hiện các mô hình cũng đã xác định được một số đối tượng thích nghi tốt trên vùng đất nhiễm phèn nặng xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau đem lại giá trị kinh tế như: chuối Xiêm, Gà nòi lai, Cá rô đồng, Heo rừng lai, đây là cơ sở thực tiễn để người dân và chính quyền tiếp cận, tham quan học tập, nhân rộng sản xuất đem lại thu nhập.

Bên cạnh đó, vùng đất nhiểm phèn nặng được cải tạo có hiệu quả nhằm bố trí sản xuất theo hướng tổng hợp có khả năng thích nghi và phát triển trên vùng hệ sinh thái nước ngọt mang tính đặc thù đất rừng U Minh hạ, tỉnh Cà Mau.

Tin và bài: Hoàng Pho