TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ mô hình “ương trực tiếp ngao giống cấp 1 lên cấp 2”

Nguyễn Văn Đức  (Phân viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản Bắc Trung Bộ )

Những năm gần đây diện tích bãi nuôi ngao ở Nghệ An không ngừng được phát triển. Đến nay đã có tổng số hơn 133 ha nuôi ngao, trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, một số ít ở huyện Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai.

Việc phát triển nuôi ngao kéo theo nhu cầu rất lớn về con giống. Với tập quán nuôi ngao giống cỡ lớn (300-500 con/kg) hàng năm người nuôi ngao ở Nghệ An phải mua đến hàng trăm tấn ngao giống từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Tuy nhiên, do cỡ giống lớn, giá cao lại phải chịu thêm chi phí vận chuyển nên lợi nhuận mang lại cho người dân không cao.

Trong bối cảnh đó, mô hình ương trực tiếp ngao giống từ cấp 1 lên cấp 2 được Phân viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản Bắc Trung Bộ thực hiện tại Nghệ An trong khuôn khổ dự án “Phát triển mô hình sản xuất ngao giống” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì thực hiện đã góp phần giải quyết bài toán về con giống nói trên.

Mô hình được triển khai trên địa bàn 04 huyện là Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai với 06 hộ tham gia. Tổng diện tích là 5000 m2 với 250 triệu con giống cấp 1 (cỡ 0,5 mm) được thả nuôi. Nhìn chung ngao giống tăng trưởng nhanh, chỉ sau hơn 6 tháng, ngao giống đã đạt kích cỡ giống cấp 2 (8-10 mm), đủ tiêu chuẩn thả nuôi ra các bãi triều. Tỷ lệ sống trung bình của ngao giống tại các điểm trình diễn của mô hình đạt trên 55 %.

Doanh thu của mô hình từ việc bán con giống đạt trên 1 tỷ đồng tương ứng với hơn 137,5 triệu con giống cấp 2. Lợi nhuận ước đạt trên 640 triệu đồng. Mô hình đã thực sự mang lại những hiệu quả kinh tế đáng kể cho các hộ dân tham gia đồng thời tạo được sự quan tâm, chú ý của người dân trong vùng dự án.

Nguyễn Văn Đức  (Phân viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản Bắc Trung Bộ ) Khuyến Nông TPHCM, 19/11/2015