TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên ao lót bạt

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên ao lót bạt. Ảnh: Thanh Nguyên Bài & ảnh Mỹ Nhân

Một số nông dân các xã Mỹ Long Nam, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang đã chuyển từ nuôi tôm công nghiệp sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thâm canh trên ao lót bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi tôm TTCT thâm canh trên ao lót bạt được thiết kế trên diện tích ao nuôi khoảng 1.600m2 cho năng suất từ 50-55 tấn/ha, còn góp phần ngăn cản tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường vào ao nuôi.

Mô hình nhiều ưu thế:

Mô hình nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt có nhiều ưu thế như quản lý được dịch bệnh từ ban đầu, quản lý được thức ăn, môi trường, không dùng kháng sinh, mật độ thả nuôi dày, rủi ro tôm chết thấp, giúp đạt năng suất cao và cho sản phẩm tôm sạch.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: Chi phí đầu tư nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt ban đầu rất cao khoảng 03 tỷ đồng gồm xây nhà lưới bao phủ các vuông tôm, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống phao, quạt, ôxy đáy, thức ăn, thuốc thủy sản, con giống… Để có 1.600m2 nhà lưới, người nuôi chỉ cần vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng, nhưng tuổi thọ sử dụng được khoảng 07 năm, tuy nhiên hầu hết nông dân chỉ cần 02 năm đã hoàn được vốn. Đầu tư nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt, tỷ lệ tôm sống rất cao đạt từ 60-90%, mật độ thả nuôi từ 178-220 con/m2. Trọng lượng tôm đạt từ 28,5-52 con/kg; năng suất đạt 55 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 03 tỷ đồng/ha. Nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt có thể nuôi liên tục, từ 03-04 vụ/năm. Không chỉ vậy người nuôi dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh.

Hiện nay mô hình này đang được đánh giá cao và nhân rộng ở những vùng nuôi có điều kiện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 hộ nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt trên diện tích 08ha tương đương 39 ao.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt, ông Phan Văn Hận, ấp Tư, xã Mỹ Long Nam người tiên phong đầu tiên thực hiện mô hình này cho biết: Sau khi tham quan học tập mô hình nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và được hướng dẫn quy trình nuôi của cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thử nghiệm 02 ao trên diện tích 3.200m2, mật độ thả 178 con/m2, năng suất đạt 4,8 tấn, lợi nhuận đạt hơn 200 triệu đồng/vụ. Theo ông Hận, tôm thả nuôi với mật độ cao nên hệ thống dàn quạt và ôxy đáy phải hoạt động 24/24 giờ. Định kỳ 05 ngày phải cấy vi sinh một lần và hàng tuần phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Để quản lý tốt môi trường ao nuôi, định kỳ 03-04 ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao nhằm làm sạch môi trường.

Nói về kỹ thuật, ông Hận chia sẻ: Nuôi tôm TTCT trên ao lót bạt ngay từ đầu phải xử lý môi trường bằng công nghệ vi sinh, giúp tôm có sức đề kháng cao, hạn chế dịch bệnh. Để ứng dụng mô hình này, người nuôi phải có diện tích lớn từ 01-1,5ha đất tạo thành ao ương, ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng và ao nuôi (trong đó, diện tích ao nuôi là 1.600m2). Trước khi thả nuôi, nông dân xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng bằng cách nhỏ thuốc tím, PAC lắng tụ chất hữu cơ hòa tan; sau đó đưa ra ao xử lý bằng chlorine rồi chuyển sang ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn tôm giống sạch, chất lượng, ươm trong bể từ 20-40 ngày đạt kích cỡ đồng đều mới thả ra ao nuôi. Trong quá trình ươm thấy tôm yếu thì loại ngay, mua giống thả vô ươm tiếp. Khi tôm đang trong giai đoạn sinh trưởng, người nuôi thường xuyên theo dõi cấp và thoát nước kịp thời trong ao nuôi khi môi trường nước thay đổi. Đến khi thu hoạch tôm, nông dân tận dụng nguồn nước đưa tuần hoàn về ao lắng xử lý như ban đầu. Trừ trường hợp nguồn nước không còn khả năng tái sử dụng, người nuôi xử lý sau đó thải ra kênh nội đồng nhưng phải được sự cho phép của chính quyền địa phương nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh.

Nông dân Lê Minh Kha, ấp Năm đã thực hiện thành công mô hình nuôi tôm TTCT trên ao lót bạt với tổng lợi nhuận 400 triệu đồng trên diện tích 2.000m2, ao nuôi thiết kế 1.000m2/ao; mật độ thả 200 con/m2; sản lượng đạt 09 tấn. Hiện nay ông Kha đang thả nuôi tiếp vụ 02 và tôm sinh trưởng được 50 ngày tuổi. Ông Kha phấn khởi: Nuôi tôm TTCT trên ao lót bạt hiệu quả cấp gấp nhiều lần so với nuôi tôm công nghiệp, ao nhỏ, sản lượng nhiều, hiệu quả kinh tế cao, còn ngăn cản ô nhiễm môi trường bên ngoài vào ao nuôi. Tuy chi phí ao nuôi ban đầu cao nhưng thời hạn nuôi được sử dụng 07 năm. Ao nuôi và ao sẵn sàng phải che lưới lan, giảm được nhiệt độ trong ao nuôi để tôm nhanh lớn, đồng thời hạn chế tảo xuất hiện. Đặc biệt ao được thiết kế để các chất thải, chất bẩn có hại tập trung lắng xuống khu trũng (hố ga). Những con tôm yếu sẽ rớt vào hố ga, cùng chất thải sẽ được đưa ra ngoài theo đường ống thiết kế riêng, nhờ đó ao nuôi luôn sạch, tôm sạch.

Ông Mai Chí Cường, cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Long Nam cho biết: So với nuôi tôm theo hình thức truyền thống, người nuôi cho tôm ăn theo cách thủ công. Nuôi theo hình thức thâm canh lót bạt, người nuôi cho ăn bằng máy tự động nên tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước. Không phải tắt quạt khi tôm ăn, hạn chế thiếu hụt oxy giúp tôm ăn mạnh hơn. Có thể giảm lại lượng thức ăn nếu tôm ăn yếu hoặc thời thiết bất lợi. Tôm phát triển tốt và đồng đều hơn, đồng thời giảm được công lao động. Có thể nói nuôi tôm TTCT thâm canh trên ao lót bạt trên địa bàn thời gian qua đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện mô hình này đang được nông dân trong xã nhân rộng từ 05 hộ nâng lên 15 hộ thả nuôi. Để mô hình này phát triển mạnh và bền vững, thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền người nuôi có biện pháp xử lý môi trường ao nuôi trước khi thải ra kênh nội đồng và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm xả nước thải trong ao nuôi ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường nước.

Mặc dù nuôi TTCT thâm canh trên ao lót bạt đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay các hộ nuôi cũng gặp một số khó khăn, nhất là đối với những hộ hội đủ các điều kiện về đất, vốn để đầu tư mô hình này thì thiếu nhân công lao động, do đó việc đầu tư phát triển mô hình này chưa lớn. Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm trên địa bàn xã phát triển rầm rộ nên nguồn lao động thường thiếu. Có hộ nuôi không thuê được người lao động, chủ yếu sử dụng lao động thành viên trong gia đình. Bình quân mỗi hộ nuôi có khoảng 02-04 lao động đảm đương công việc cho tôm ăn, chạy quạt ôxy, kiểm tra việc cấp và thoát nước,… thu nhập bình quân từ 4,2-06 triệu đồng/lao động/tháng. Ngoài thu nhập lương cơ bản hàng tháng, lao động còn hưởng thêm 02 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm khi thu hoạch. 

Bài & ảnh Mỹ Nhân Báo Trà Vinh