TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ nuôi xen ghép cá rô đầu vuông và trê vàng

Hội thảo đầu bờ mô hình nuôi ghép cá rô đầu vuông và trê vàng. Hoàng Liên Triêu Nhan

Mô hình đầu tư nuôi thâm canh, xen ghép hai đối tượng nuôi mới: cá rô đầu vuông và trê vàng của một số hộ dân xã Điện Thọ (Điện Bàn) bước đầu có hiệu quả, cần nhân rộng.

Bước đầu, hộ ông Phan Văn Ánh (thôn La Trung) và hộ ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Châu Lâu), xã Điện Thọ được chọn nuôi thí điểm hai giống mới này trên một diện tích ao nuôi. Sau khi cải tạo, xử lý môi trường ao nuôi theo đúng kỹ thuật, được hỗ trợ 100% con giống và 30% chi phí vật tư nuôi, trên diện tích 600m2, tháng 7.2015, ông Ánh thả 7.000 cá giống rô đầu vuông và 2.700 trê vàng. Còn hộ ông Hoàng thả 3.000 cá rô đầu vuông và 5.300 cá thể trê vàng trên diện tích ao 1.200m2. Ngoài hai giống trên, theo khuyến cáo, hai hộ dân trên còn nuôi ghép thêm cá mè trong ao với mật độ 1 con/5m2 nhằm tận dụng tảo trong ao nuôi làm thức ăn cho cá, hạn chế tảo phát triển quá mức, gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước trong ao.

Ông Phan Văn Ánh chia sẻ: “10 ngày sau khi thả cá giống, tôi phát hiện cá bị bệnh đốm đỏ do vi khuẩn, lượng cá chết tăng nhanh trong vài ngày. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ khuyến ngư của huyện và tăng cường vệ sinh ao, bệnh trên đàn cá giảm rõ rệt, cá phát triển ổn định trở lại. Qua 3,5 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 70%. Trọng lượng cá rô đầu vuông sau 3,5 tháng thả nuôi trung bình đạt 120 gam, còn cá trê vàng là 170 gam”. Xuất bán lứa cá đầu tiên, ông Ánh thu được 7,2 tạ cá rô đầu vuông, 1,6 tạ cá trê vàng, với giá thị trường của cá rô đầu vuông là 42.000 đồng, trê vàng là 25.000 đồng, gia đình ông thu nhập hơn 34,7 triệu đồng. Trừ chi phí, ông lãi ròng 12,5 triệu đồng. Trong khi đó, trên 1.200m2, cũng sau 3,5 tháng thả nuôi, xuất bán, ông Hoàng thu về 1,5 tấn cá (1 tấn cá rô đầu vuông và 0,5 tấn trê vàng), thu về 57 triệu đồng, trừ chi phí 42 triệu đồng, ông Hoàng lãi ròng 15 triệu đồng.

Kỹ sư Lê Thị Triết - cán bộ phụ trách thủy sản Trạm Khuyến nông - khuyến ngư thị xã Điện Bàn cho biết, việc thả nuôi xen ghép cá rô đầu vuông, loài cá sống ở tầng nước mặt và tầng giữa với cá trê vàng, đối tượng sống ở tầng đáy ao ít bùn sẽ giúp tận dụng triệt để nguồn thức ăn dư thừa trong ao, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi, tận dụng tối đa diện tích nuôi để tăng năng suất, sản lượng. Cá rô đầu vuông là loài cá đột biến gen từ cá rô đồng, tốc độ sinh trưởng nhanh gấp 3 - 4 lần so với cá rô đồng. Còn cá trê vàng thân hình thon, dẹp dần về phía đuôi, đầu to, dẹp đứng, mắt nhỏ, có 4 đôi râu dài, lưng và đỉnh đầu màu đen, bụng vàng nhạt. “Hiện, cá rô đầu vuông có thị trường tiêu thụ rất tốt, giá cả cao, riêng trê vàng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng song chưa được chuộng nhiều ở miền Trung vì đối tượng còn mới lạ, giá bán thấp so với miền Nam. Vậy khi đầu tư nuôi xen ghép cần thả nuôi tỷ lệ cá này thấp hơn hoặc chú trọng tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ với giá cả tốt hơn” - chị Triết cho hay.

Theo ông Phạm Thành Chung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến ngư thị xã Điện Bàn, toàn thị xã có khoảng 100ha diện tích mặt nước nuôi cá nước ngọt, tiềm năng lớn song chưa được khai thác triệt để. Qua thực tiễn, các đối tượng điêu hồng, trê lai, trê vàng, cá rô đầu vuông là những đối tượng phù hợp, cho hiệu quả cao. Riêng mô hình nuôi ghép theo hướng thâm canh cá rô đầu vuông với trê vàng thời gian tới sẽ được phát huy, nhân rộng tại một số địa phương từ nguồn khuyến nông.

Triêu Nhan Báo Quảng Nam, 02/02/2016