TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ sử dụng chế phẩm sinh học

Ông Trần Chí Nhân (đứng giữa) sử dụng CPSH mỗi tháng 2 lần giúp tôm phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao. Bài và ảnh: Diệu Lữ

10 năm mày mò sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong nuôi tôm quảng canh truyền thống, năng suất tôm nuôi của ông Trần Chí Nhân, khóm 5, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn ngày càng ổn định. Trung bình mỗi con nước xổ, ông thu về hơn 30 triệu đồng trên diện tích ao nuôi 3 ha.

Với nguyên liệu ban đầu từ 2 lít men vi sinh gốc có tên EM của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang (bán tại thị trấn Năm Căn), cộng với 3 kg mật đường và 200 lít nước sạch, trị giá chỉ 120.000 đồng, sau một tuần ủ, lên men, ông tạt xuống vuông nuôi theo định kỳ. Sau 5 tháng, tôm đạt trọng lượng  từ 15-17 con/kg.

Môi trường, năng suất ổn định

Từ loại CPSH sử dụng cho cây ăn trái, ông Nhân áp dụng sang cho con tôm. Với sự mày mò tự nhân số lượng từ chủng vi sinh gốc qua phương pháp lên men tự nhiên, sử dụng qua nhiều năm ông nhận thấy tác dụng của phương pháp này. Ông Nhân cho biết: “Từ khi sử dụng định kỳ CSPH theo mỗi con nước thì tôm không còn hiện tượng chết, năng suất luôn ổn định, chỉ 4-5 tháng tôm đạt trọng lượng từ 15-17 con/kg. Trung bình mỗi năm tôi thu về từ 250-300 triệu đồng”.

Theo anh Trần Văn Tây, Phó khóm 5, thị trấn Năm Căn, nhiều người học theo cách làm của ông Nhân, mỗi con nước cũng thu được từ 10-15 triệu đồng từ diện tích 2-3 ha. Không những tôm sú đạt hiệu quả mà con cua cũng đạt. Còn những hộ không sử dụng CPSH chỉ thu được từ 7-9 triệu đồng.

Kỹ sư Nguyễn Nghi Lễ, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Mô hình thành công là do khi sử dụng CPSH thì chuỗi thức ăn tự nhiên được hình thành, tạo được chuỗi mắt xích thức ăn cho tôm nuôi trong tất cả các giai đoạn. Cách làm này đã giải thích cho nông dân nuôi tôm thấy được, tại sao thả tôm liên tục, không cho ăn nhưng tôm vẫn lớn, bóng, từ đó tôm bán được giá cao hơn so với cùng loại hình nuôi không sử dụng CPSH” .

“Đến nay, khóm 5 có 24 hộ thành viên sử dụng CPSH trong nuôi tôm và đã thành lập tổ hợp tác sản xuất sử dụng CPSH”, ông Nhân cho biết.

Nhân rộng mô hình

Chi phí cho sử dụng CPSH cả năm chưa đến 3 triệu đồng/ha, tính ra sử dụng phương pháp này người dân thu lợi nhuận rất cao. 

Bên cạnh đó, môi trường nuôi tôm quảng canh ngày càng xấu do bị ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau. Người dân cũng sử dụng nhiều loại thuốc thuỷ sản nhưng vẫn không cải thiện được nạn tôm chết, năng suất ngày càng thấp. Giờ đây, mô hình sử dụng CPSH đã chứng tỏ được hướng đi bền vững cần khuyến cáo nhân rộng.

Ông Trương Quốc Duẫn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Từ 2-3 hộ làm theo mô hình của ông Nhân, đến nay có trên 20 hộ thực hiện mô hình này. Phòng tiếp tục hỗ trợ, tìm các loại CPSH có chất lượng để người dân áp dụng cho hiệu quả cao hơn. Đồng thời, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất, khuyến cáo người dân trong huyện tham gia mô hình này để nâng cao giá trị từ con tôm, góp phần cải thiện kinh tế gia đình”.

Anh Trần Văn Tây cho biết: “Sử dụng CPSH môi trường nước luôn ổn định, thiệt hại ít hơn, từ đó anh em ở tổ 10 và 8 đang họp chuẩn bị thành lập Chi hội Nuôi trồng thuỷ sản của khóm và sử dụng mô hình này, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”./.

Bài và ảnh: Diệu Lữ Cà Mau Online, 27/04/2014