Hiệu quả từ xen canh sò huyết trong vuông tôm
Những năm gần đây, việc nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cái Nước cải thiện thu nhập.
Tổ hợp tác (THT) 14/10, xã Ðông Thới là đơn vị đi đầu trong việc mạnh dạn nuôi xen canh sò huyết kết hợp tôm và cua.
Ông Tiêu Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðông Thới, cho biết: “Huyện Cái Nước có hơn 7.000 ha nuôi sò xen canh, tập trung nhiều nhất ở xã Ðông Thới, với hơn 3.000 ha. Nhận thấy đây là vùng đất có thế mạnh về nuôi sò huyết, huyện đang tập trung đầu tư nhân rộng mô hình nuôi sò huyết thương phẩm, nhằm vực dậy kinh tế nuôi thuỷ sản của huyện".
Ông Mười cho biết thêm, dự án hỗ trợ nông dân vay vốn làm kinh tế được thực hiện đầu năm 2015, riêng xã Ðông Thới được hỗ trợ 300 triệu đồng để nuôi sò huyết thương phẩm. Mỗi hộ gia đình có diện tích 5.000 m2 được vay 15 triệu đồng và 25.000 m2 đất được vay 25 triệu đồng. Xã quyết định phát triển nhân rộng thêm 3 THT nữa để tập trung nuôi sò huyết.
Ông Trần Văn Mừng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Nhà Thính B, xã Ðông Thới, với hơn 6 năm kinh nghiệm nuôi sò huyết, tâm đắc: “Theo tôi biết, không phải vùng nào cũng nuôi sò huyết được, phải chọn những vùng có nước cáo (phù sa), gần sông. Những hộ nuôi sò huyết xen canh tôm, cua cần chú ý vuông nào có rong dưới đáy thì không thể nuôi sò được, thả giống xuống là chết hết bởi rong che ánh sáng mặt trời và sò không bám đất được”.
Ngoài nuôi sò xen canh tôm, THT 14/10 còn mạnh dạn nuôi sò xen canh cua mang lại lợi nhuận cao, nhất là những dịp cận Tết. Ông Nguyễn Hoàng Pho, THT 14/10, chia sẻ: "Người ta thường rất ngại nuôi xen canh sò huyết và cua vì hiệu quả thấp, nhưng THT chúng tôi đã thử nghiệm thành công".
Ðối với xen canh sò - tôm, người nuôi có thể thả đại trà 2 loại cùng lúc mà không ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Tuy nhiên, đối với việc xen canh sò với cua cần lưu ý, thời gian nuôi thu hoạch dao động từ 10 tháng đổ lại cho nên muốn sò phát triển mạnh, bán được giá thì đầu tháng Giêng, tháng Hai âm lịch người nuôi tiến hành thả giống cho đến tháng Mười thì thu hoạch.
Trong quá trình thả giống, cần thả sò trước, sau 3 tháng mới được thả cua vào, như vậy sò sẽ không bị cua kẹp hoặc ăn thịt. Thời điểm thu hoạch là cận Tết nên sức mua và giá sẽ cao hơn bình thường, người nuôi lại kịp thả giống cho vụ kế tiếp.
Ông Tiêu Văn Mười cho biết thêm, hiện nay mô hình xen canh sò huyết - tôm - cua đang được nhiều hộ nông dân áp dụng đem lại hiệu quả, trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Nhiều hộ đã chuyển hướng dần từ trồng lúa sang nuôi thuỷ sản.
Ðây là mô hình sản xuất mới nhưng hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn có thêm hướng đi mới trong việc tăng thu nhập cho người dân.
Nuôi sò huyết không cần vốn đầu tư lớn, không tốn công sức chăm sóc, thu hoạch lại dễ. Sò ít xảy ra dịch bệnh, dễ nuôi, kết hợp với nhiều loại hải sản khác, đặc biệt khi nuôi trong vuông tôm, sò huyết rất mau phát triển, thuận tiện cả trong khâu quản lý và chăm sóc, có tác dụng duy trì nguồn nước.
Sò đạt chất lượng chuẩn từ 75-80 con/kg thì thu hoạch, thương lái đến tận nơi thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh khu vực ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh hoặc xuất khẩu sang nước khác. Giá sò ổn định từ 75.000-80.000 đồng/kg.
Ông Trần Vũ Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cái Nước, nhận định: "Những hộ dân có diện tích đất nhỏ vẫn có thể áp dụng mô hình nuôi sò huyết đem lại thu nhập cao. Bên cạnh đó, nuôi xen canh sò huyết còn tạo thêm cơ hội phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững".