Hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa nuôi thủy sản
TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản, khuyến khích cơ giới hóa theo hướng hiện đại. Từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Nhiều năm qua, ngành chức năng triển khai ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản tại hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Trong nuôi tôm, sử dụng sàn cho ăn tự động nhằm rải đều thức ăn và giảm công lao động, vệ sinh ao nuôi bằng máy hút. Người nuôi tôm đầu tư hệ thống máy sục khí ao nuôi để tăng cường oxy trong ao, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát các yếu tố môi trường như pH nước, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan,... thông qua hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi.
Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, ngành nông nghiệp khuyến cáo các trang trại nuôi thâm canh đầu tư máy bơm hút để vận chuyển tôm giống và thu hoạch tôm nhằm giảm thiệt hại trong quá trình vận chuyển và giảm công lao động. Đối với nhuyễn thể (nghêu, sò huyết) sử dụng máy cày có hệ thống lưỡi và bánh xe phù hợp để cải tạo đất, vệ sinh nền bãi nuôi. Sử dụng máy thu hoạch nghêu để giảm chi phí nhân công lao động.
Mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo tại Cần Giờ cũng triển khai ứng dụng cơ giới hóa hiệu quả. Theo chị Huỳnh Thị Tuyết Phương, ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, hộ tham gia mô hình nuôi cua biển bằng con giống nhân tạo cho biết, nhờ ứng dụng cơ giới hóa một số khâu như làm ao, bơm nước, cho ăn…cua phát triển đồng đều, tỷ lệ sống đạt khoảng 40%, kích cỡ trung bình đạt 200 - 300 g/con sau 4 tháng nuôi.
Đối với cá kiểng, vốn là thế mạnh của thành phố, cần ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ nuôi mới nâng cao chất lượng cá kiểng xuất khẩu. Sử dụng hệ thống lọc sinh học tạo môi trường nhằm kiểm soát được các yếu tố môi trường ảnh hưởng trong quá trình nuôi. Đối với các hộ nuôi cá kiểng có giá trị cao cần áp dụng hệ thống phun nước làm mát tự động hoặc bán tự động khi nhiệt độ tăng cao, duy trì nhiệt độ ổn định cho cá phát triển tốt.