TIN THỦY SẢN

Hồ Ngọc Khánh quá thối

Góc hồ ô nhiễm bốc mùi hôi thối nặng nhất trước nhà số 34 Phạm Huy Thông Ảnh: Lê Quân Lê Quân

Dù chủ đầu tư dự án cải tạo đã rắc vôi bột để khử ô nhiễm, nhưng đến hôm qua mùi hôi thối ở hồ Ngọc Khánh (Q.Ba Đình, Hà Nội) vẫn bốc lên nồng nặc.

Một số gia đình cho biết phải “tản cư” sang nhà họ hàng, anh em ở khu vực khác vì không chịu nổi mùi hôi.

Chỉ vào dây phơi quần áo trên ban công, bà Nguyễn Thị Phú, nhà ở phố Phạm Huy Thông, cạnh hồ Ngọc Khánh, cho biết dù đã giặt, phơi, nhưng quần áo luôn ám mùi thối từ hồ bốc lên. Nhiều lần bà phải giặt lại quần áo. Các cửa phòng cũng luôn được đóng kín, khe hở phải chèn bịt lại. “Tôi phải chịu nỗi khổ này 24/24 tiếng, một đêm tôi dậy không dưới 10 lần vì quá thối, không khí cứ đặc quánh lại ở trong nhà, trong phòng, không ngủ được. Chốc chốc tôi lại phải xem đồng hồ. Thối kinh khủng”, bà Phú bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Huệ, nhà ở gần hồ Ngọc Khánh cho biết gần 1 tháng nay, sau khi hồ cải tạo xong, tưởng mùi hôi thối sẽ giảm bớt không ngờ còn tăng nhiều hơn. Chị và hai con nhỏ đã phải đến nhà họ hàng ở phố Nguyễn Chí Thanh ở tạm. “Nhà tôi kinh doanh cà phê, giờ cắt cử chồng ở lại trông nom. Cả tháng nay thất thu vì hồ bốc mùi hôi thối, không có khách đến quán”, chị Huệ nói.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 8.5, ven bờ hồ được rắc kín chất bột màu trắng. Theo người dân, đó là vôi bột được rắc xuống hồ mấy ngày trước. “Họ dùng thuyền vớt những màng bẩn nổi lều bều trên mặt nước chở đi rồi dùng vôi bột rắc xuống mặt nước, xung quanh ven bờ. Làm như vậy chỉ đỡ mùi được vài ngày, sau đó mặt nước lại tiếp tục nổi những màng bẩn và hôi thối khủng khiếp”, bà Trần Kim Ngọc (54 tuổi), nhà ven hồ vừa nói vừa sốt sắng dẫn chúng tôi đến góc hồ trước số nhà 34 Phạm Huy Thông chỉ. Tại đây, mặt nước ở cả góc hồ rộng gần 100 m2 đặc quánh lớp màng màu xanh dạt vào, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Do nước thải hay tảo ?

Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh là Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội); đơn vị thực hiện gói thầu là liên danh nhà thầu Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 68, Công ty cổ phần xây dựng số 2 và Công ty đầu tư xây dựng Gia Long. Tổng kinh phí cải tạo từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhật Bản, lên đến 20 tỉ đồng. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND P.Ngọc Khánh, cho biết phường đã mời Ban QLDA thoát nước Hà Nội lên làm việc, yêu cầu truy tìm nguyên nhân, nhưng đến chiều 8.5 nguyên nhân gây ô nhiễm hồ Ngọc Khánh chưa được đưa ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh (65 tuổi), cán bộ Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã về hưu có nhà ở mặt phố Phạm Huy Thông, nói: “Nguyên nhân thực sự là nước thải sinh hoạt vẫn chảy xuống hồ, gây ô nhiễm. Thiết kế của dự án cải tạo môi trường hồ Ngọc Khánh là đưa nước thải sinh hoạt vào hệ thống cống thải chung của thành phố, không cho chảy xuống hồ. Tuy nhiên, nhiều người dân ở ven hồ như chúng tôi vẫn thấy khi cạn lòng hồ để lộ nhiều ống cống nước thải sinh hoạt chảy nước ra. Vài tháng gần đây, không có mưa nhiều nhưng nước hồ vẫn đầy lên như hồi chưa hút nước để cải tạo”, ông Thanh nói.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội, cho biết dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn chờ tích nước mưa và thả bè thủy sinh xuống hồ để tạo cảnh quan. Về nguyên nhân gây ô nhiễm hồ, ông Hùng cho biết chu kỳ sống của tảo là 1 - 1,5 tháng sẽ chết, gây ra mùi hôi thối. Trời càng nóng bức, tảo phát triển càng mạnh, khi chết sẽ gây ra mùi hôi thối. Tảo ở hồ Ngọc Khánh là tảo lục, khi chết sẽ khiến nước chuyển thành màu xanh. Ông Hùng cũng khẳng định, sau cải tạo, hệ thống cống nước thải sinh hoạt đã tách biệt với hồ Ngọc Khánh và “Để nhân dân kiểm chứng việc này, chúng tôi sẽ bơm cạn nước hồ để cho thấy nước thải sinh hoạt không còn chảy vào hồ như người dân nói; đồng thời bơm cạn nước hồ để dùng hóa chất phù hợp xử lý diệt tảo trong hồ. Dự kiến, chiều 10.5 nước hồ Ngọc Khánh sẽ cạn”, ông Hùng nói.

TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, chuyên gia về bệnh học thủy sản cho rằng cần xem xét kỹ khi thực hiện cải tạo hồ, chủ đầu tư đã hút sạch lớp bùn dưới đáy hồ chưa. Lớp bùn này chính là nơi chứa những vi sinh vật, tảo, chất thải gây ô nhiễm tích lũy bao nhiêu năm. Nếu không hút hết đem đi xử lý thì khi có nước mới, những chất thải này sẽ lại tiếp tục sinh sôi, gây ô nhiễm hồ như chưa cải tạo.

Lê Quân Báo Thanh Niên, 09/05/2016