Hỗ trợ ngành thủy sản các tỉnh Nam Bộ
Nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản là thế mạnh truyền thống ở Nam Bộ với thành tích dẫn đầu cả nước về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu suốt hàng chục năm qua. Vậy mà, giờ đây, ngành này ở Nam Bộ đang lâm vào tình cảnh suy sụp, nhiều nhà máy đình trệ sản xuất, công nhân thất nghiệp.
Ðiều đáng lo ngại về lâu dài là trong khi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của nước ta phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động hoặc phá sản, thì một số doanh nghiệp nước ngoài đã tham gia mua tôm, cá nguyên liệu.
Có mấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Trước hết là các doanh nghiệp trong nước thiếu vốn mua nguyên liệu và đầu tư tái sản xuất (do mấy năm trước vay ngân hàng với lãi suất quá cao, nhất là vay để đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến, đến nay đã quá hạn, chưa trả được nợ, đúng lúc ngân hàng siết chặt việc thu hồi vốn và không cho vay tiếp, dẫn đến việc thiếu cả vốn lưu động và vốn đầu tư). Sau là dịch bệnh xuất hiện ở con tôm, gây nên khó khăn tạm thời. Ngoài ra, còn một số doanh nhân từ nơi khác từng hào hứng đến đầu tư khi tình hình hết sức thuận lợi (nhất là dễ vay vốn ngân hàng), nhưng khi khó khăn, họ đã không đủ kiên nhẫn khắc phục mà bỏ luôn.
Chỉ tính riêng tại tỉnh Cà Mau, có 30 doanh nghiệp thủy sản với 34 nhà máy, tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu 250.000 tấn tôm/năm, nhưng tổng sản lượng tôm nuôi và khai thác tự nhiên chỉ khoảng 140.000 tấn/năm. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ tôm, cá trong nước và xuất khẩu không đến nỗi khó khăn và cũng còn nhiều tiềm năng mở rộng. Mặt khác, trên thực tế, trong bối cảnh hết sức khắc nghiệt như thời gian vừa qua, vẫn có không ít doanh nghiệp thủy sản ở khu vực này đã hồi phục hoặc tái cấu trúc thành công nợ ngân hàng, đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD, giúp cả công ty, ngân hàng và những hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cùng vượt qua khó khăn.
Thành công đó, trước hết từ sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ của ngân hàng và chính quyền. Công ty Thủy sản Ðại Dương, nhờ lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hoạt động ổn định trở lại vào đầu tháng 5-2013, bảo đảm việc làm cho gần 240 công nhân, trong đó, điều kiện quan trọng nhất là được ngân hàng cho vay vốn lưu động để mua nguyên liệu. Còn hai trường hợp nợ lớn tới 1.600 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng, tưởng như chỉ còn cách phá sản, nhưng nhờ được tái cơ cấu hợp lý cho nên đã ổn định bước đầu, đó là Công ty Thủy sản Phương Nam ở Sóc Trăng và Công ty Thủy sản Bình An ở Cần Thơ. Hai công ty này đã bảo đảm việc làm cho hàng nghìn công nhân và chuẩn bị tuyển thêm 1.000 công nhân và khẳng định mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 70 đến 80 triệu USD năm 2015.
Thực tế nêu trên cho thấy, cần khẩn trương triển khai sự phối hợp giữa chính quyền, các ngân hàng với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy sản để sớm hồi phục và phát triển ngành này ở Nam Bộ nhằm phát huy lợi thế vốn có, mang lại hiệu quả kinh tế cao.