Hoàng Quế (Quảng Ninh): Phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản
Phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), nhất là các loại cá nước ngọt, xã Hoàng Quế (Đông Triều, Quảng Ninh) đang tích cực triển khai xây dựng thành vùng NTTS nhằm nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả.
Nhiều năm trước, khu vực phía nam của xã Hoàng Quế (thôn Nội Hoàng Đông, Nội Hoàng Tây, Cổ Lễ) chủ yếu là đồng ruộng chiêm trũng nên cấy lúa kém hiệu quả. Bởi vậy người dân đã chuyển đổi sang đào ao, đắp đầm, thả cá, tôm. Thời gian đầu có vài hộ nuôi cá theo dạng tự phát, nhỏ lẻ, sau tăng dần, mang lại hiệu quả cao. Nhận thấy, việc NTTS ở khu vực phía nam xã có thể phát triển kinh tế nông nghiệp mũi nhọn của địa phương, xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân chuyển đổi những diện tích cấy lúa hiệu quả thấp, sang nuôi trồng thuỷ sản. Từ đó, diện tích, năng suất, giá trị NTTS của xã không ngừng tăng cao qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích NTTS trên địa bàn xã là 59ha thì đến nay đạt 120ha. Thời gian thả nuôi cá bình quân 3 vụ/2 năm cho lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha/năm. Việc NTTS không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông từ trung tâm các thôn ra khu NTTS hiện đã xuống cấp, hệ thống cấp, thoát nước đã bị bồi lắng, lòng mương hẹp gây ra không ít khó khăn trong quá trình lấy nước vào ao và xử lý nước thải khiến dịch bệnh dễ dàng xảy ra, đầu ra sản phẩm của người dân hiện không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái. Để khắc phục những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Quế, cho biết: Năm 2016, xã sẽ tập trung xây dựng vùng lõi với diện tích 30ha với 27 hộ tham gia nuôi cá nước ngọt tại 2 thôn Cổ Lễ và Nội Hoàng Tây. Xã sẽ từng bước triển khai việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung tại vùng nuôi, gồm hệ thống đường giao thông trục chính, nâng cấp hệ thống điện, hệ thống cấp - thoát nước, xử lý nước thải… đảm bảo hạ tầng đồng bộ. Tổng kinh phí khoảng trên 3,6 tỷ đồng. Đồng thời, từ xã tới các thôn đều tổ chức các cuộc họp các hộ dân nhằm tuyên truyền, vận động về hiệu quả của vùng NTTS mẫu. Đặc biệt, các hộ tham gia dự án cũng được xã xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí như kinh nghiệm, nhận thức, trình độ… đảm bảo triển khai thành công.
Anh Lương Trường Tuấn, thôn Nội Hoàng Đông, một trong những hộ thuộc vùng lõi NTTS cho biết: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã đào ao, đắp đầm, thả nuôi các loại cá nước ngọt như rô phi, điêu hồng, lăng… Những năm gần đây, gia đình tôi đã mở rộng diện tích nuôi thả cá, được cán bộ khuyến ngư của huyện và xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc, phòng dịch bệnh trong quá trình nuôi thả cá nên năng suất và giá trị kinh tế tăng cao. Hiện gia đình tôi đang nuôi cá thương phẩm diện tích trên 5ha, mỗi năm nuôi 2 vụ cá, trung bình cho thu hoạch hơn 10 tấn/năm, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Giá trị kinh tế của cá cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa.
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình nuôi cá rô phi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tại 3 ao thuộc vùng lõi với diện tích 3ha. Áp dụng quy trình nuôi này, các hộ nuôi phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe từ việc lấy, xử lý nước, mật độ nuôi, cho cá ăn, mở sổ theo dõi sự sinh trưởng… Tất cả các loại vật tư, thức ăn chăn nuôi đều phải có nguồn gốc sinh học, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Sau hơn 1 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 85%, cá phát triển tương đối đồng đều, ít bệnh tật. Việc áp dụng quy trình VietGAP đối với cá rô phi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với cách nuôi truyền thống, giảm tỷ lệ cá chết do dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình này thành công, xã Hoàng Quế sẽ nhân rộng đến các hộ NTTS trong vùng lõi.
Chắc chắn rằng, với sự chủ động của Hoàng Quế trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tích cực xúc tiến việc liên kết với các doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong NTTS sẽ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển bền vững.